Trong một thông báo ngày 3/6, các nhà lãnh đạo G7 cho rằng đề xuất trên sẽ giúp dẫn đến một lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza, trả tự do cho tất cả con tin, đồng thời tạo điều kiện tăng cường cung cấp hàng viện trợ nhân đạo cho người dân ở Gaza với số lượng lớn và trên cơ sở bền vững, dần tiến tới chấm dứt cuộc xung đột theo cách đảm bảo những mong muốn của Israel về an ninh cũng như sự an toàn cho người dân Palestine. G7 cũng kêu gọi Hamas chấp thuận đề xuất này. Ngoài ra, thông báo nêu rõ G7 tái khẳng định sự ủng hộ đối với một tiến trình hòa bình trong tương lai sẽ dẫn đến giải pháp hai nhà nước.
Ngày 31/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Israel đã đưa ra "lộ trình" hướng tới lệnh ngừng bắn toàn diện ở Dải Gaza để đổi lấy việc trả tự do cho các con tin. Đề xuất gồm 3 giai đoạn, bắt đầu với lệnh ngừng bắn "đầy đủ và toàn diện" kéo dài 6 tuần. Trong khoảng thời gian này, các lực lượng Israel sẽ rút một phần khỏi Gaza và những con tin, gồm người lớn tuổi, phụ nữ và người bị thương, sẽ được trao đổi với hàng trăm tù nhân Palestine. Dân thường Palestine sẽ trở về Gaza, trong đó có miền Bắc Gaza, và mỗi ngày sẽ có 600 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo vào vùng lãnh thổ của Palestine. Trong giai đoạn thứ hai, Hamas và Israel sẽ đàm phán các điều khoản nhằm chấm dứt vĩnh viễn tình trạng thù địch. Tổng thống Biden khẳng định lệnh ngừng bắn "sẽ vẫn được duy trì chừng nào tiến trình đàm phán còn tiếp diễn". Giai đoạn thứ ba sẽ bao gồm kế hoạch tái thiết lớn dành cho Gaza.
Sau khi Washington công bố đề xuất trên, phong trào Hồi giáo Hamas khẳng định sẵn sàng tham gia "một cách tích cực và theo hướng xây dựng" với bất kỳ đề xuất nào dựa trên cơ sở về lệnh ngừng bắn lâu dài ở Gaza. Trong khi đó, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết việc chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn tiếp theo trong lộ trình đề xuất là “có điều kiện" nhằm cho phép Israel duy trì các mục tiêu của mình.
Ngày 3/6, Mỹ cũng thông báo một dự thảo nghị quyết mà nước này sẽ trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), trong đó kêu gọi hội đồng ủng hộ đề xuất nói trên. Trước đó, hôm 28/5, Algeria cũng gửi một bản dự thảo nghị quyết đến hội đồng gồm 15 thành viên, trong đó kêu gọi ngay lập tức chấm dứt xung đột ở Gaza cũng như hoạt động quân sự ở thành phố Rafah. Hiện HĐBA LHQ chưa lên kế hoạch tiến hành bỏ phiếu đối với cả hai dự thảo trên.
Liên quan đến nỗ lực tái thiết các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột, Israel ngày 3/6 đã công bố gói thầu trị giá 190 triệu NIS (khoảng 52 triệu USD) tài trợ cho các dự án cải tạo hạ tầng ở các địa phương bị ảnh hưởng.
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, thông tin trên do Cục Cải tạo Đô thị (AUR) thuộc Bộ Xây dựng và Nhà ở Israel đưa ra. Theo cơ quan này, đây là gói thầu thứ hai của chương trình hỗ trợ quy mô lớn của chính phủ Israel dành cho công tác cải tạo và nâng cấp nhà ở tại các khu dân cư gần biên giới phía Bắc và phía Nam, nơi không có lợi thế kinh tế đủ hấp dẫn khu vực tư nhân đầu tư. Trong đó, 90 triệu NIS sẽ được dành cho các dự án tại Ashkelon, thành phố phía Nam gần với Dải Gaza, và 100 triệu NIS được phân bổ cho các dự án xây dựng ở phía Bắc.
Sau khi nổ ra cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas hồi tháng 10/2023 cũng như các cuộc giao tranh giữa Israel và phong trào Hezbollah ở Liban, ước tính có khoảng 250.000 người dân Israel đã phải sơ tán khỏi hơn 100 khu dân cư gần biên giới. Người sơ tán được nhà nước trả tiền thê nhà, trợ cấp lương và các chi phí khác. Các khoản chi phí này khiến ngân sách chính phủ năm 2024 tăng thêm 19 tỷ USD so với dự toán cũ.