Trong "Hiệp ước về Thiên nhiên" (Nature Compact) sẽ được công bố trong ngày 13/6 cùng với tuyên bố chung của G7, các nhà lãnh đạo sẽ cam kết giảm gần một nửa lượng khí thải carbon vào năm 2030 so với năm 2010 và ngăn chặn tình trạng mất đa dạng sinh học. Các nhà lãnh đạo hứa hẹn sẽ hỗ trợ nhiều hơn về tài chính cho các quốc gia đang phát triển chống lại tác động của biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, các quan chức G7 còn cam kết về việc chi hàng trăm tỷ USD để đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, nhằm xây dựng quan hệ đối tác tiêu chuẩn cao và minh bạch. Dự án "Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn" (B3W) của G7 nhằm cạnh tranh với sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc, vốn bị chỉ trích về việc dẫn tới các khoản nợ khó quản lý cho các nước nhỏ. Thủ tướng Đức Angela Merkel, đánh giá B3W là một "sáng kiến quan trọng" rất cần thiết tại châu Phi - khu vực vẫn còn nghèo nàn về cơ sở hạ tầng.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã ca ngợi “Tuyên bố Vịnh Carbis” là kế hoạch hành động "mang tính lịch sử" của G7 trong nỗ lực ngăn chặn các đại dịch trong tương lai, đặc biệt là sau khi COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nền kinh tế và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên khắp thế giới.
Tuyên bố Vịnh Carbis - bao gồm một loạt cam kết về cắt giảm thời gian cần thiết để phát triển và cấp phép cho vaccine và củng cố mạng lưới giám sát y tế toàn cầu - sẽ chính thức được công bố vào ngày 13/6, trong tuyên bố chung kết thúc hội nghị G7.