Sau hai ngày nhóm họp tại Bắc Ailen (Vương quốc Anh), hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G8) đã bế mạc vào chiều ngày 18/6, với việc thông qua tuyên bố chung về các kết quả đạt được tại hội nghị lần này liên quan đến các vấn đề như tình hình Syria và cuộc chiến chống trốn thuế và gian lận thuế.
Thủ tướng Anh David Cameron cho biết Anh sẽ tăng gấp đôi mức viện trợ cho các hoạt động nhân đạo ở Syria. Ảnh: Internet |
Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra sau hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà David Cameron cho biết các nhà lãnh đạo G8 đều ủng hộ việc tổ chức "càng sớm càng tốt" hội nghị hòa bình về Syria tại Geneva, Thụy Sĩ. Tuy nhiên, thời điểm cụ thể để tổ chức hội nghị này vẫn chưa được ấn định.
Theo ông Cameron, mặc dù vẫn còn nhiều điểm bất đồng nhưng các nhà lãnh đạo G8 thừa nhận họ đều có lợi ích sống còn trong việc chấm dứt cuộc xung đột hiện nay ở Syria và giúp người dân nước này đạt được những thay đổi mà họ mong muốn. Do vậy, các nhà lãnh đạo G8 đã nhất trí hợp tác với nhau trong hàng loạt vấn đề, trong đó có việc giúp Syria thoát khỏi các phần tử khủng bố và cực đoan, lên án việc sử dụng vũ khí hóa học bởi bất cứ bên nào, đồng thời kêu gọi Liên hợp quốc tiến hành điều tra cáo buộc chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học trong thời gian gần đây.
Tuyên bố chung về Syria nêu rõ, các nhà lãnh đạo G8 nhất trí ủng hộ một chính phủ Syria tương lai trên cở sở đồng thuận của tất cả các bên liên quan. Tuy nhiên, văn kiện này không nhắc đến vai trò của Tổng thống Assad trong tương lai.
Tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo G8 cũng cam kết viện trợ thêm gần 1,5 tỷ USD cho các hoạt động nhân đạo ở Syria, trong đó nước chủ nhà Anh cam kết tăng gấp đôi mức đóng góp trước đây.
Liên quan đến cuộc chiến chống trốn thuế và gian lận thuế, các nhà lãnh đạo G8 đã nhất trí áp dụng nhiều biện pháp mới, trong đó có việc chia sẻ thông tin về việc nộp thuế của người dân cũng như yêu cầu các công ty đa quốc gia phải báo cáo đầy đủ với các cơ quan thuế vụ về các loại thuế và nơi mà các công ty này đóng thuế. Thông cáo chung của hội nghị kêu gọi các nước thay đổi các quy định cho phép các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang nước khác nhằm trốn thuế hoặc chỉ phải đóng mức thuế thấp hơn.
Hội nghị G8 lần này cũng đánh dấu một mốc quan trọng trong quan hệ đầu tư và thương mại giữa Liên minh châu Âu và Mỹ, với việc hai bên nhất trí khởi động tiến trình đàm phán về Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP), được Thủ tướng Cameron đánh giá là "hiệp định thương mại song phương lớn nhất trong lịch sử." Theo kế hoạch, vòng đàm phán đầu tiên sẽ diễn ra tại thủ đô Washington, Mỹ vào ngày 8/7 tới và dự kiến sẽ hoàn tất để ký kết sau 18 tháng.
TTXVN/Tin tức