Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn số liệu của WHO cho biết khoảng 48 triệu người ở vùng Sừng châu Phi (bao gồm Djibouti, Ethiopia, Kenya, Somalia, Nam Sudan, Sudan và Uganda) đang đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh lương thực trầm trọng. Các hộ gia đình tại đây không còn gì để ăn và cạn kiệt cả tiền tiết kiệm lẫn tài sản. Trong số này, 6 triệu người đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực khẩn cấp và 129.000 người đang ở mức thảm họa, mức độ tồi tệ nhất. Trong số 129.000 người này có 96.000 người ở Somalia và 33.000 người ở Nam Sudan.
Phát biểu với các phóng viên tại Geneva qua liên kết video từ Nairobi (thủ đô Kenya), người phụ trách sự cố của WHO về cuộc khủng hoảng sức khỏe ở vùng Sừng châu Phi, bà Liesbeth Aelbrecht, cho biết: “Người dân đang phải đối mặt với nạn đói và nhìn cái chết tiến đến gần mình”. Cũng theo bà Aelbrecht, đa số các địa điểm trong khu vực đang phải chống chọi với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong ít nhất 40 năm qua, trong khi các nơi khác bị ảnh hưởng bởi lũ lụt dẫn đến nạn đói lan rộng. Khu vực này cũng ghi nhận số trẻ em suy dinh dưỡng cao nhất trong nhiều năm cùng sự bùng phát dịch bệnh gia tăng.
Theo số liệu thống kê, khoảng 11,9 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trong khu vực có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cấp tính trong năm nay. Khu vực cũng đang đối mặt với một loạt dịch bệnh truyền nhiễm như dịch sởi, tả, sốt rét, sốt xuất huyết, viêm gan E và viêm màng não. Bà Aelbrecht nhấn mạnh số đợt bùng phát dịch bệnh ở vùng Sừng châu Phi đã lên mức cao chưa từng có trong thế kỷ này, đẩy hệ thống y tế ở 7 quốc gia trong vùng vào tình cảnh khó khăn. Bà Aelbrecht cho rằng tần suất các đợt bùng phát dịch bệnh có thể liên quan trực tiếp đến các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt.
Vùng Sừng châu Phi là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu, với các cuộc khủng hoảng ngày càng thường xuyên và dữ dội. Đã 5 mùa mưa liên tiếp ở khu vực này không có mưa, khiến hàng triệu gia súc chết, mùa màng bị tàn phá và buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa để tìm nước và thức ăn ở nơi khác. Bà Aelbrecht cảnh báo: “Với việc biến đổi khí hậu đã trở thành hiện thực, chúng ta phải chuẩn bị cho những trường hợp khẩn cấp như vậy xảy ra với tần suất ngày càng tăng". Cũng theo quan chức này, hiện cần rất nhiều nguồn lực để ngăn chặn bệnh dịch và tử vong lan rộng. Theo ước tính của WHO, số tiền viện trợ trong năm nay lên tới 178 triệu USD.