Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Bắc Phi, ngày 16/7, Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc cho biết, việc dịch chuyển để chạy trốn bạo lực, tỷ lệ lạm phát tăng cao do tác động của các biện pháp phòng chống sự lây lan của dịch COVID-19 là những nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất tại Sudan trong những năm gần đây.
Gần 1/4 dân số Sudan, tương đương 9,6 triệu người, đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức cao nhất từng được ghi nhận kể từ khi các phân tích về an ninh lương thực được thực hiện tại nước này. Sự gián đoạn thương mại trong nước do các biện pháp phong tỏa mà cơ quan chức năng áp đặt để ngăn ngừa đại dịch đã khiến thị trường thực phẩm không ổn định, kéo theo sự tăng giá đột ngột của các mặt hàng thiết yếu tại các đô thị lớn trong cả nước.
Tình trạng mất an ninh lương thực diễn ra nghiêm trọng tại một số bang như Gazera và Bắc Kordofan, nơi số người phải đối mặt với nạn đói trầm trọng đã tăng lần lượt là 200% và 335%. LHQ và các đối tác nhân đạo đã thực hiện các hoạt động hỗ trợ, cung cấp lương thực cho khoảng 2,3 triệu người Sudan trong 3 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, số người trông chờ vào nguồn viện trợ vẫn đang ở mức cao và các tổ chức nhân đạo đang kêu gọi, huy động thêm nguồn kinh phí.