Gần 30% cựu binh Mỹ mắc hội chứng chấn thương tâm lý

Báo cáo mới nhất của Bộ Cựu chiến binh Mỹ về tình trạng căng thẳng thần kinh sau sang chấn hay hội chứng chấn thương tâm lý (PTSD) cho biết kể từ vụ khủng bố ngày 11/9/2001, gần 30% trong số 834.463 cựu chiến binh Mỹ từng tham gia cuộc chiến tại Ápganixtan và Irắc điều trị tại các bệnh viện và phòng khám dành cho cựu chiến binh được chẩn đoán mắc bệnh PTSD.


Những người ủng hộ cựu chiến binh cho rằng, báo cáo mới này của Bộ Cựu chiến binh là bằng chứng rõ nhất về tác động tiêu cực mà các cuộc chiến gây ra đối với binh lính Mỹ kể từ sự kiện 11/9. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y tế cộng đồng Mỹ năm 2010, các binh lính được điều động nhiều lần tới Irắc và Ápganixtan có nguy cơ mắc bệnh PTSD và trầm cảm nặng cao hơn ba lần so với những người được triển khai.


PTSD là một rối loạn tâm lý, biểu hiện bằng các triệu chứng lo âu rõ rệt sau khi phải đương đầu với sự kiện gây tổn thương tâm lý và vẫn tiếp tục kéo dài sau đó khi sự kiện đã kết thúc từ lâu. Bệnh hay gặp ở những người từng trải qua các biến cố gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần hoặc thể chất như thiên tai, chiến tranh, bạo hành, tai nạn...


Đầu tư của Bộ Cựu chiến binh Mỹ cho các chương trình sức khỏe tâm thần tăng thêm hơn 1/3 trong ba năm qua. Bộ đã thuê hơn 4.000 chuyên gia sức khỏe tâm thần và công bố sẽ bổ sung 1.600 chuyên gia nữa, nâng tổng số người chăm sóc sức khỏe tâm thần lên gần 22.000 người.


Quang Hòa (P/v TTXVN tại Mỹ)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN