Nước sông Brahmaputra, vốn chảy qua Tây Tạng (Trung Quốc), Ấn Độ và Bangladesh, dâng cao đã tàn phá mùa màng và gây lở đất. Tại bang Assam (Ấn Độ), 3 đợt lũ từ cuối tháng 5 vừa qua cướp đi sinh mạng của 79 người và khiến hơn 2,75 triệu người rời nhà đi lánh nạn. Người đứng đầu Cơ quan Tài nguyên nước bang Assam Keshab Mahanta cho biết tình hình ngập úng vẫn nghiêm trọng, đa số mực nước các con sông tại đây vượt trên mức nguy hiểm.
Bang Assam đang cùng lúc đối mặt với cả lũ lụt và đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Hiện 25 trong số 33 huyện thuộc bang này vẫn bị ảnh hưởng do lũ lụt bắt đầu cách đây 2 tuần.
Tại nước láng giềng Nepal, ngày 19/7, chính phủ yêu cầu các cư dân sinh sống dọc vùng đồng bằng miền Nam duy trì cảnh giác do dự báo nước này tiếp tục sẽ hứng chịu đợt mưa lớn. Từ tháng 6 vừa qua, khoảng 110 người thiệt mạng, 100 người bị thương và hàng trăm người phải sơ tán tại 26 trong số 77 quận huyện tại Nepal do các đợt lũ quét và lở đất. Giới chức Nepal dự kiến số nạn nhân thiệt mạng sẽ tăng bởi hiện 48 người đang mất tích nhưng ít có cơ may sống sót.
Lũ quét và lở đất thường xảy ra tại Nepal cùng với các bang Assam và Bihar của Ấn Độ trong mùa mưa kéo dài từ tháng 6-9 hằng năm.
Tại Trung Quốc, nhà chức trách ngày 19/7 nâng cảnh báo lũ lụt tại khu vực sông Hoài ở miền Đông nước này từ mức 3 lên mức 2, mức cao thứ hai trong thang cảnh báo gồm 4 mức, sau nhiều ngày mưa như trút nước và dự kiến trong những ngày tới sẽ tiếp tục có mưa lớn tại đây. Theo Ủy ban đặc trách về sông Hoài thuộc Bộ Thủy lợi Trung Quốc, mực nước tại 10 hồ chứa nước trên sông Hoài cao hơn mức cảnh báo tới 6,85 mét. Sông Hoài dài 1.000 km chảy qua nhiều trung tâm sản xuất công nghiệp và nông nghiệp tại các tỉnh Hà Nam, An Huy và Giang Tô.
Trong 2 tuần qua, mưa lớn trút xuống khu vực từ thành phố Trùng Khánh tại Tây Nam đến thành phố Thượng Hải ở miền Đông Trung Quốc. Một số vùng dọc sông Dương Tử, trong đó có tỉnh Giang Tây và thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, đã ban bố mức cảnh báo cao nhất do lũ lụt.