Gần hơn “giấc mơ” công dân Mỹ

Cải cách nhập cư - vấn đề được Tổng thống Mỹ Barack Obama xem như một ưu tiên quan trọng trong nhiệm kỳ hai đã chính thức khởi động bằng một dự luật do nhóm 8 thượng nghị sĩ trình lên Quốc hội tuần qua. Trong bối cảnh tồn tại sự chia rẽ sâu sắc trong chính trường Mỹ, dễ hình dung dự luật này cũng sẽ gây những tranh cãi bất phân thắng bại. Tuy vậy, với hàng triệu người đang sống không giấy tờ ở “xứ Cờ hoa”, “giấc mơ” công dân Mỹ đang đến gần hơn với họ.


Ân xá hay thỏa hiệp?


Bảo trợ dự luật này là một nhóm 8 thượng nghị sĩ chia đều cho hai đảng cầm quyền Mỹ, trong đó phe Dân chủ là các TNS Charles Schumer, Dick Durbin, Robert Menendez và Michael Bennet; phe Cộng hòa gồm các TNS John McCain, Jeff Flake, Lindsey Graham và Marco Rubio. Đây được xem là dự luật cải cách lớn nhất liên quan vấn đề nhập cư của Mỹ kể từ lần cải cách gần đây nhất vào năm 1986 dưới thời cố Tổng thống Ronald Regan.

Dự luật cải cách nhập cư sẽ thay đổi mạnh mẽ hệ thống nhập cư Mỹ.
Ảnh: Internet


Văn bản luật này sẽ thay đổi mạnh mẽ hệ thống nhập cư Mỹ, tạo ra các chương trình thị thực mới cho công nhân tay nghề thấp và cao, đòi hỏi một hệ thống an ninh biên giới ngặt nghèo hơn, đặt ra quy định mới cho tất cả các nhà tuyển dụng phải kiểm tra tình trạng pháp lý của các công nhân của mình, và thiết lập một tiến trình hợp pháp hóa cho những người đang sống không giấy tờ tại Mỹ. Hệ thống nhập cư cải cách cũng sẽ chuyển đổi từ việc ưu tiên các mối quan hệ gia đình và định cư lâu dài sang chú trọng vào kỹ năng hoặc cơ hội tìm việc làm của người muốn nhập cư để quyết định cho nhập quốc tịch.


Một trong những điểm mấu chốt của dự luật là tiến trình hợp pháp hóa khoảng 11,5 triệu người đang sống bất hợp pháp trên đất Mỹ. Theo dự luật này, những người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp đến Mỹ trước ngày 31/12/2011 và ở lại liên tục có thể nộp đơn xin hưởng quy chế “hợp pháp tạm thời” sau 6 tháng kể từ khi dự luật trên được Tổng thống ký thành luật, nộp phạt hành chính ít nhất 500 USD và bất kỳ khoản thuế đến hạn nào. Với quy chế “hợp pháp tạm thời”, người nhập cư trái phép có thể làm việc, lái xe, đi lại mà không sợ bị trục xuất nhưng họ không được hưởng bất cứ phúc lợi liên bang nào. Sau 10 năm, những người thuộc diện này mới có thể xin cấp thẻ xanh, tức quy chế định cư lâu dài, và ba năm tiếp đó họ mới có thể đề nghị được hưởng quy chế như công dân Mỹ. Theo tiến trình như trên, TNS Schumer cho rằng nước Mỹ sẽ an toàn hơn khi có được nhận dạng và hồ sơ của mọi người nước ngoài đến Mỹ.


Và để thuyết phục những nghị sĩ cứng rắn cho rằng làm như thế là “ân xá” cho những người vi phạm pháp luật và khuyến khích người đến Mỹ bất hợp pháp, dự luật cũng đưa ra một kế hoạch trị giá nhiều tỉ USD để tăng cường an ninh trên tuyến biên giới chung dài 3.000 km với Mêhicô, nơi hoạt động nhập cư lậu chủ yếu diễn ra mà các lực lượng chức năng Mỹ khó ngăn chặn xuể.


Trong một tuyên bố sau cuộc gặp với hai TNS Schumer và McCain, Tổng thống Barack Obama nói dự luật này rõ ràng là một sự thỏa hiệp bởi không bên nào có được tất cả những gì mình muốn, song phần lớn nội dung dự luật phù hợp với những nguyên tắc mà ông đưa ra cho một cuộc cải cách toàn diện luật nhập cư. Ông cũng kêu gọi Quốc hội nhanh chóng hành động thúc đẩy thông qua để đảm bảo rằng cải cách nhập cư sẽ trở thành hiện thực sớm nhất có thể. Trong khi đó, TNS Rubio, ứng cử viên tiềm tàng của đảng Cộng hòa trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016, cho rằng không có chuyện “ân xá” gì ở đây mà tất cả những gì họ đang làm là cho mọi người cơ hội tiếp cận hệ thống cải cách nhập cư hợp pháp mới đã được cải cách và hiện đại hóa của Mỹ.


Tranh cãi và hy vọng


Dự luật cải cách nhập cư được đưa ra điều trần trong bối cảnh nước Mỹ còn chưa hết rúng động bởi vụ khủng bố vừa xảy ra nhằm vào giải chạy maratông lâu đời Boston mà thủ phạm là hai anh em thuộc một gia đình nhập cư đến từ Tresnia. Chính vì thế, một số nghị sĩ cho rằng đây chưa phải là lúc thích hợp đem dự luật này ra bàn thảo. Tuy nhiên, Nhà Trắng bày tỏ quan điểm rằng không thể lấy vụ khủng bố làm lý do để trì hoãn việc thúc đẩy cải cách luật nhập cư, đồng thời nhấn mạnh một trong những mặt tích cực của việc cải cách luật này là nó làm cho nước Mỹ an toàn hơn khi đi vào thực hiện.


Kinh tế cũng là vấn đề mà một số nhóm vận động hành lang cũng như nghị sĩ bảo thủ viện đến để phản đối dự luật cải cách này với lý do nước Mỹ vẫn đang có hàng chục triệu người không kiếm được việc làm toàn thời gian nên việc trao quy chế “hợp pháp tạm thời” cho người nhập cư bất hợp pháp chẳng khác nào tạo cho họ cơ hội “cướp” công ăn việc làm của người Mỹ.


Rồi việc đầu tư “khủng” cho hệ thống an ninh biên giới cũng được đặt ra là liệu có khả thi giữa lúc nước Mỹ đang phải thắt chặt chi tiêu để giải quyết thâm hụt ngân sách. Tất cả những vấn đề này cho thấy chặng đường phía trước của dự luật sẽ gập ghềnh chẳng kém các dự luật cải cách khác, từ y tế cho tới kiểm soát súng đạn.


Tuy nhiên, có thể nói sự ủng hộ đối với vấn đề cải cách nhập cư tại Mỹ đã tăng lên kể từ dự luật cải cách bất thành gần đây nhất vào năm 2007 dưới thời Tổng thống George W. Bush. Kết quả một cuộc thăm dò tiến hành ngày 21/3 vừa qua cho thấy cứ trong 10 người Mỹ thì có 6 người ủng hộ tiến trình hợp pháp hóa cho những người nhập cư không có giấy tờ.

Ngay cả đảng Cộng hòa cũng đã có sự nhìn nhận lại về vấn đề người nhập cư bất hợp pháp sau hai lần thất bại tại các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gần đây mà nguyên nhân được họ đúc rút ra là do xem nhẹ lá phiếu của của cử tri thuộc các cộng đồng thiểu số, đặc biệt là cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha cũng là những đối tượng nhập cư đông nhất. Sự thay đổi này cùng sự coi trọng ưu tiên cải cách nhập cư trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama có thể mang lại hy vọng về một cuộc cải cách toàn diện trong chính sách nhập cư và theo đó, ước mơ trở thành “công dân Mỹ” của những người nhập cư không có giấy tờ song làm ăn chính đáng và tuân thủ pháp luật Mỹ sẽ không còn là điều xa vời.


Đỗ Sinh

Trào lưu ‘du lịch đẻ’ để làm công dân Mỹ
Trào lưu ‘du lịch đẻ’ để làm công dân Mỹ

Một “khách sạn hộ sinh” ở bang California, Mỹ đang cung cấp dịch vụ đỡ đẻ cho các bà mẹ nước ngoài muốn sinh nở ở Mỹ để con được nhập quốc tịch nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN