Gắn kết ASEAN để xây dựng Cộng đồng tự cường và vững mạnh

Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 33 và một loạt các hội nghị liên quan kéo dài trong 5 ngày trung tuần tháng 11 đã chính thức khép lại Năm Chủ tịch ASEAN 2018 của Singapore để chuyển giao sang Thái Lan, nước Chủ tịch ASEAN 2019.

Chú thích ảnh
Trưởng đoàn các nước chụp ảnh chung tại Cuộc họp Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC), chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33, ngày 13/11/2018, tại Singapore. Ảnh: Xuân Vịnh

Đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN cũng như sự phát triển năng động của khu vực trước những cơ hội và thách thức đang đặt ra là mục tiêu hành động mà Singapore đưa ra cho năm 2018. Trên cơ sở đó, trong năm Chủ tịch ASEAN, "Đảo quốc Sư tử" ưu tiên 3 trọng tâm, gồm tiếp tục thúc đẩy và duy trì trật tự khu vực dựa trên các quy tắc, nhằm giúp ASEAN có thể giải quyết tốt hơn những thách thức an ninh mới nổi như an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia và khủng bố; thúc đẩy hội nhập kinh tế và tăng cường kết nối khu vực, giúp ASEAN trở nên thịnh vượng và tăng cường khả năng cạnh tranh; tìm ra những phương pháp sáng tạo trong quản lý và khai thác công nghệ số, nâng cao kỹ năng và năng lực cho người dân để dần thích ứng với nền kinh tế số.

Với sự điều hành hiệu quả của Singapore, hợp tác và liên kết ASEAN trong năm đã đạt bước phát triển rất đáng khích lệ. Trên tinh thần chủ đề “Xây dựng một ASEAN tự cường và sáng tạo”, ASEAN tiếp tục giữ vững vai trò trung tâm, củng cố và nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại và hợp tác do ASEAN dẫn dắt, đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực, đồng thời đạt được những kết quả khả quan trong triển khai xây dựng Cộng đồng và thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025.

Năm nay, ASEAN kết thúc năm thứ 3 triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các kế hoạch tổng thể xây dựng 3 trụ cột cộng đồng với nhiều kết quả tích cực và khả quan, đó là triển khai 239/290 dòng hành động hợp tác chính trị an ninh, đạt 82%; 80/118 ưu tiên về hợp tác kinh tế (đạt %); 100% các cam kết về hợp tác văn hóa xã hội đã và đang được triển khai. Tăng trưởng kinh tế toàn khu vực dự kiến đạt 5,1% trong năm 2018 và 5,2% trong năm tới.

Tiến trình xây dựng Cộng đồng được đánh dấu qua việc triển khai một loạt các sáng kiến theo đề xuất của nước chủ nhà cũng như đề xuất của 9 quốc gia thành viên còn lại, mà nổi bật là việc các nhà lãnh đạo đã thông qua Khung mạng lưới thành phố thông minh ASEAN nhằm kết nối bước đầu 26 thành phố trong khu vực để từ đó nhân rộng, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với các thành quả mà việc xây dựng Cộng đồng ASEAN mang lại.

ASEAN tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ của các đối tác cũng như thể hiện được vai trò và năng lực xử lý trước các vấn đề nổi lên, nhất là các đợt thiên tai lớn xảy ra ở khu vực, các diễn biến của tình hình quốc tế tại bán đảo Triều Tiên, vấn đề người di cư tại Myanmar…

Mối quan hệ giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài đã được củng cố thông qua các hội nghị cấp cao đặc biệt ở Australia và Ấn Độ. Năm 2018 cũng đánh dấu 45 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản với cam kết thúc đẩy và nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện hai bên vì hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của mỗi bên cũng như của khu vực, và 25 năm Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), trong đó vai trò dẫn dắt của ASEAN tiếp tục được khẳng định.

Tuy nhiên, bên cạnh những bước tiến đáng khích lệ, ASEAN cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, cả từ những biến động phức tạp của môi trường quốc tế và khu vực cũng như từ chính nội bộ ASEAN. Sự cân bằng địa-chiến lược đang thay đổi khiến ASEAN trở thành “mặt trận” tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc ngoài khu vực.

Bên cạnh đó, hệ thống đa phương tự do, mở và dựa trên luật lệ đã góp phần vào sự tăng trưởng và ổn định của ASEAN, cũng đang phải chịu áp lực lớn. Các quốc gia, bao gồm cả các cường quốc, đang có các hành động đơn phương hay tiếp cận song phương, không ủng hộ đa phương… Sự đồng thuận của các nước trên thế giới về tự do hóa thương mại, hội nhập kinh tế, đầu tư... đang có phần lung lay.

Vấn đề đặt ra cho ASEAN lúc này là làm sao giữ được sự đoàn kết và vai trò trung tâm của cả khối trong các cơ chế an ninh khu vực, không để bị kéo vào vòng xoáy cạnh tranh và nguy cơ chia rẽ mới, đồng thời vẫn đi đầu và đóng vai trò trung tâm trong các hành động và hoạt động xây dựng kiến trúc khu vực. Để hóa giải thách thức này, các chuyên gia cho rằng điều quan trọng là ASEAN cần tiếp tục các nỗ lực tạo dựng môi trường thuận lợi cho các nỗ lực đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin.

Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo của 10 nước ASEAN đã tái khẳng định yêu cầu tiên quyết là duy trì đoàn kết, thống nhất, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN và củng  cố một cấu trúc hợp tác khu vực rộng mở, minh bạch, dựa trên luật lệ, với ASEAN ở vị trí trung tâm, qua đó, đóng góp tích cực cho một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng.

Sự gắn kết được xem là “chất xúc tác” giúp ASEAN thích ứng trong một môi trường chiến lược quốc tế đang chuyển đổi, diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay, đồng thời cũng giúp ASEAN duy trì được vai trò trung tâm trong khu vực trước sự “cạnh tranh” của những nhóm hay các dự án hợp tác khu vực khác. Đây cũng là yếu tố quan trọng để ASEAN được thừa nhận như một đối tác giá trị của các cường quốc thế giới.

Bên cạnh đó, sự gắn kết cũng sẽ giúp tăng cường sức mạnh cho khu vực Đông Nam Á nhằm đối phó hiệu quả với những mối đe dọa chung như khủng bố, tội phạm mạng và biến đổi khí hậu; nâng cao khả năng ứng phó linh hoạt với các thách thức; đón nhận thời cơ, nắm bắt cơ hội cũng như chủ động ứng phó với những tác động không mong muốn do cuộc cách mạng công nghệ số tạo ra.

“Chìa khóa” để bảo đảm sự gắn kết của ASEAN, là duy trì nguyên tắc “bao trùm và trung lập” trong giải quyết vấn đề quan  hệ với các cường quốc. Mặt khác, ASEAN cần thúc đẩy, duy trì cơ chế giải quyết xung đột và tranh chấp thông qua tham vấn, môi giới, trung gian và hòa giải cũng như chứng tỏ tổ chức này có khả năng giải quyết những vấn đề xuyên quốc gia của khu vực mà một nước đơn lẻ không làm được.

Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp, ASEAN càng phải khẳng định tầm quan trọng của một khối khu vực, có vị trí năng động về địa-chính trị toàn cầu. Vai trò trung tâm của ASEAN đã và đang được thể hiện tại các diễn đàn khu vực do ASEAN dẫn dắt nhằm thúc đẩy sự gắn kết khu vực, hội nhập kinh tế và ảnh hưởng quốc tế, qua đó sẽ góp phần hỗ trợ cho hệ thống thương mại toàn cầu. Trên thực tế, mục tiêu này có thể được thể hiện bằng cách kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN với 6 đối tác thương mại chính ở Đông Á.

Với những nỗ lực và các bước đi cụ thể trong năm 2018, ASEAN đang mở ra một chương mới và định hình hướng đi mới tiến về phía trước, xây dựng một Cộng đồng vững vàng, tự cường và liên kết chặt chẽ.

Mỹ Bình (Pv TTXVN tại Singapore)
ASEAN chặng đường sau 50 năm và Việt Nam
ASEAN chặng đường sau 50 năm và Việt Nam

Chiều 30/11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức tọa đàm về “ASEAN chặng đường sau 50 năm và Việt Nam”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN