Do điều kiện kinh tế đang từng bước được cải thiện và thị trường công ăn việc làm khá hơn nên nhiều sinh viên Mỹ có cơ hội tìm được công việc có lương cao hơn. Đây thật sự là một tin vui đối với thế hệ sinh viên Mỹ tốt nghiệp năm 2012. Tuy nhiên, do học phí của các trường đại học tăng mạnh trong thập kỷ qua nên gánh nợ vẫn tiếp tục đè nặng lên vai những sinh viên ra trường, thậm chí đeo đẳng họ tới tuổi 60.
Báo cáo công bố ngày 3/4 của Hiệp hội toàn quốc các trường đại học và các chủ doanh nghiệp (NACE) cho biết: thế hệ sinh viên ra trường năm 2012 được chào mời mức lương trung bình khởi điểm là 42.569 USD/năm, tăng 4,5% so với lứa sinh viên ra trường năm 2011. Các chủ doanh nghiệp dự báo số lượng sinh viên ra trường năm 2012 có ngay việc làm tăng 10,2% so với năm ngoái. Từ đầu năm tới nay, các doanh nghiệp ở Mỹ đã mở cửa 15.767 việc làm cho sinh viên, tăng 10% so với 14.341 việc làm đối với lứa sinh viên tốt nghiệp năm 2011 và tăng gấp hơn 3 lần số việc làm 5.174 dành cho sinh viên ra trường năm 2010. Hai chuyên ngành có số việc làm nhiều nhất cho sinh viên ra trường năm 2012 là tin học và kinh tế, với mức lương khởi điểm trung bình 58.581 USD/năm so với mức lương khởi điểm trung bình 37.423 USD/năm của sinh viên sư phạm ra trường cùng năm.
Gánh nặng nợ đang đè nặng lên vai sinh viên Mỹ. Nguồn: Internet. |
Cùng ngày, số liệu của Ngân hàng dự trữ liên bang ở thành phố Niu Yoóc (New York) cho biết thế hệ sinh viên Mỹ ra trường năm 2010 có mức nợ cao nhất, trung bình là 25.250 USD/người. Trong tổng món nợ đọng của sinh viên khoảng 5% là thuộc về số sinh viên nay đã ở độ tuổi 60. Do nợ kéo dài, số sinh viên đã cao tuổi ở Mỹ vẫn phải đi làm để có tiền trả nợ ngày càng nhiều. Năm 2001, chỉ có khoảng 13% người Mỹ từ 65 tuổi trở lên vẫn đi làm việc nhưng đến năm 2011 tỷ lệ này đã tăng lên mức 18%.
Nợ sinh viên đã được giới hữu trách cảnh báo là "quả bom nổ chậm" đe dọa nền kinh tế Mỹ. Đầu tháng 3 vừa qua, Hiệp hội toàn quốc các luật sư chuyên trách về phá sản và vỡ nợ của người tiêu dùng (NACBA) cho biết trong vài năm qua, số lượng sinh viên Mỹ nộp đơn xin bảo lãnh vỡ nợ đã và đang gia tăng với tốc độ đáng báo động. Chủ tịch NACBA, ông Uyliam Bruơ (William Brewer) cho biết lượng tiền cho sinh viên vay trong năm 2010 đã lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 100 tỷ USD. Đến hết tài khóa 2011, tổng số tiền cho sinh viên vay nhưng chưa trả lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD.
Một trong những nguyên nhân khiến sinh viên Mỹ mang nợ ngày càng nhiều là vì học phí của các trường ngày càng cao. Thống kê của tổ chức “College Board” cho biết riêng trong năm 2010, học phí của các trường đại học công lập ở Mỹ tăng 5,4% và trường tư tăng 4,3%.
TTXVN/Tin tức