Giá cổ phiếu của Credit Suisse được niêm yết ở mức 0,61 franc Thụy Sĩ (0,6578 USD)/cổ phiếu trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa tại Julius Baer, trong khi giá cổ phiếu của UBS giảm 4,73% xuống mức 15,81 franc.
Chuyên gia phân tích cấp cao của Ngân hàng Swissquote Ipek Ozkardeskaya cho rằng trong vài giờ giao dịch tiếp theo sẽ cho thấy rõ hơn liệu cuộc khủng hoảng này đã được ngăn chặn hay chưa. Theo chuyên gia này, cuộc khủng hoảng của Credit Suisse sẽ không kéo dài bởi điều gây ra cơn “địa chấn” gần đây đối với Credit Suisse là cuộc khủng hoảng niềm tin, vốn không liên quan đến UBS. Bên cạnh đó là khả năng thanh khoản dồi dào và sự đảm bảo của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) và chính phủ nước này.
UBS đã đồng ý mua Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ, theo thỏa thuận được công bố ngày 19/3 trị giá 3,2 tỷ USD, đồng thời tiếp quản khoản lỗ lên đến 5,4 tỷ USD. Quyết định được đưa ra sau khi giới chức Thụy Sĩ sẵn sàng điều chỉnh luật để bỏ qua một cuộc bỏ phiếu của cổ đông về giao dịch khi các bên phải gấp rút hoàn tất thỏa thuận trước ngày 20/3 (giờ địa phương).
Trong cuộc phỏng vấn trên đài SRF cùng ngày 20/3, Giám đốc điều hành UBS Ralph Hamers cho rằng UBS có thể quản lý được những rủi ro sau vụ thâu tóm Credit Suisse. Ông cũng cho biết bước tiếp theo, UBS sẽ cải cách ngân hàng đầu tư của Credit Suisse thành một ngân hàng đầu tư giống như của UBS để tránh gặp quá nhiều rủi ro.
Giám đốc điều hành UBS khẳng định thương vụ thâu tóm mới nhất giúp đem lại sự ổn định và đảm bảo cho các khách hàng của Credit Suisse, cũng như duy trì danh tiếng của trung tâm tài chính của Thụy Sĩ này. Hiện UBS chưa có kế hoạch cụ thể về việc sa thải nhân viên tại Credit Suisse.
Sau khi UBS và Credit Suisse đạt thỏa thuận, lãnh đạo các ngân hàng tại nhiều nước trên thế giới như Pháp, Australia, Nhật Bản, Singapore lên tiếng khẳng định hệ thống ngân hàng của họ duy trì hoạt động tốt và ổn định.