Chưa đầy một tháng sau khi bước vào nhiệm kỳ mới, Nhà Trắng thông báo ông Joe Biden sẽ "điều chỉnh lại" mối quan hệ với Saudi Arabia. Theo người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki, Tổng thống Biden sẽ không trao đổi với Thái tử Mohammed bin Salman mà chỉ tiếp Quốc vương Salman.
Nhưng kênh CNN (Mỹ) cho biết chính Thái tử Mohammed bin Salman mới là người xử lý các vấn đề hàng ngày của Saudi Arabia, trong đó có chính sách dầu mỏ.
Ông Abdulaziz Sager tại Trung tâm nghiên cứu Vùng Vịnh (Saudi Arabia) đánh giá vấn đề giữa Tổng thống Biden và Thái tử Mohammed bin Salman mang tính cá nhân.
Đã có rất nhiều thay đổi trong 12 tháng qua. Lạm phát tại Mỹ chạm mốc cao nhất trong 40 năm, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ bị bao phủ bởi vấn đề căng thẳng Ukraine. Và điều được cho là quan trọng nhất đối với mối quan hệ của Mỹ cùng Trung Đông là giá dầu đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng, cao nhất 8 năm qua.
Giá dầu Brent đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng lần đầu kể từ năm 2014 vào hôm 24/2. Các quốc gia phương Tây đang đau đầu tìm nguồn năng lượng thay thế trong trường hợp nguồn cung khí đốt và dầu mỏ lớn từ Nga bị gián đoạn.
Theo công ty tư vấn RSM, nếu căng thẳng Ukraine đẩy giá dầu mỏ lên 110 USD/thùng thì lạm phát tại Mỹ sẽ vượt mức 10% so với cùng kỳ năm trước. Điều này chưa từng xảy ra tại Mỹ kể từ năm 1981 và sẽ gây “bất ngờ ngắn hạn”.
Đến nay, Quốc vương Salman vẫn phớt lờ lời kêu gọi của nhà lãnh đạo Mỹ Biden về việc Saudi Arabia tăng nguồn cung dầu mỏ. Quốc vương Salman chủ trương đi theo động thái của Nga và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) là hạn chế tăng sản lượng khai thác dầu. Trong khi đó, Saudi Arabia sở hữu khoảng 2 triệu thùng dầu công suất thừa.
Nhưng khi Mỹ và Nga căng thẳng trong tuần qua, một phương án khác nhằm tăng nguồn cung dầu mỏ nằm tại Vienna (Áo), nơi diễn ra đàm phán nhằm phục hồi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran.
Iran và các nước trong Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã đạt được thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) vào năm 2015. Điểm chính của JCPOA là Iran hạn chế phát triển vũ khí hạt nhân để được nới lỏng các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA vào năm 2018 đồng thời tái áp đặt các lệnh trừng phạt Iran.
Trong trường hợp thỏa thuận hạt nhân được khôi phục, Mỹ và thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ nhận thêm được lượng “vàng đen” từ Iran, vốn chịu lệnh trừng phạt của Washington. Do đó, Tổng thống Biden đang đứng giữa hai tình huống trớ trêu, một là phải thay đổi thái độ với Thái tử Saudi Arabia, hai là chấp nhận Iran trở thành vị cứu tinh.
Nhưng ông Abdulaziz Sager cho rằng sẽ “hợp lý hơn” nếu Mỹ thay đổi cách tiếp cận với Saudi Arabia khi giá dầu ở mốc 100 USD/thùng. Câu hỏi được đặt ra là ngay cả khi Saudi Arabia đồng ý nâng sản lượng thì điều này có góp phần giảm áp lực lên giá dầu hay không.
Bà Ellen Ward tại Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ) nhận định: “Các bộ trưởng dầu mỏ của OPEC từng ám chỉ rằng họ hoài nghi về khả năng định giá chính xác dựa trên việc nâng sản lượng. Nói cách khác, nguyên nhân dẫn đến việc giá dầu tăng trong thời gian gần đây bắt nguồn từ đầu cơ tài chính và rủi ro địa chính trị thay vì thiếu nguồn cung”.
Bà Ellen Ward cũng cho rằng không có dấu hiệu cho thấy Thái tử Mohammed bin Salman nhượng bộ chỉ vì đề nghị từ một cá nhân. Ngoài ra, nhà nghiên cứu Yousef Alshammari tại Đại học Hoàng gia London (Anh), cho biết: “Mọi tổng thống Mỹ đều từng vận động Saudi Arabia tăng sản lượng. Trong suốt 4 năm qua, chúng tôi đã chứng kiến Saudi Arabia tăng sản lượng hoặc tự nguyện cắt giảm trong thời cựu Tổng thống Trump. Nhưng giờ đây, Saudi Arabia đang đi theo một cách tiếp cận tiêu chuẩn hơn."
Ông Abdulaziz Sager cho rằng Tổng thống Biden càng “cá nhân hóa” bất đồng với Saudi Arabia thì quốc gia Trung Đông này sẽ hướng tới lựa chọn chiến lược thay thế Mỹ.
Bà Ellen Ward nói: “Tôi không cho rằng Saudi Arabia sẽ để cho tình hình giữa Mỹ và Nga gây ảnh hưởng đến quan hệ của Riyadh với Moskva. Mối quan hệ năng lượng giữa Saudi Arabia và Nga tồn tại ngoài vấn đề địa chính trị giữa Nga và Ukraine”.
Về phần Iran, vào ngày 23/2, Mỹ đã triệu tập các nhà đàm phán hàng đầu để tham vấn và kêu gọi phương Tây “thực tế” về đối thoại với Tehran.
Công ty S&P Global Platts (Mỹ) đánh giá một thỏa thuận hạt nhân tạm thời có thể tạo điều kiện cho xuất khẩu của Iran tăng 500.000 thùng/ngày vào tháng 4 hoặc tháng 5 tới. Trong khi đó, một thỏa thuận toàn diện sẽ tạo điều kiện để tăng 1,5 triệu thùng dầu xuất khẩu mỗi ngày trong vòng 9 tháng. Iran đã “bơm” 3,83 triệu thùng dầu/ngày trước khi cựu Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.