Trong phiên giao dịch sáng 28/2, giá dầu Brent Biển Bắc kỳ hạn giao tháng 4/2022 có thời điểm đã tăng 7% so với giá đóng cửa trước đó, lên mức 105 USD/thùng. Dầu ngọt nhẹ Tây Texas (WTI) cũng có mức tăng gần 7%, lên trên ngưỡng 98 USD/thùng.
Trước đó, dầu Brent và WTI trong phiên giao dịch ngày 24/2 đã lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 100 USD/thùng kể từ năm 2014, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tuy nhiên, giá dầu nhanh chóng thoái lui khỏi ngưỡng này, khi Nhà Trắng công bố vòng trừng phạt đầu tiên nhằm vào Nga mà không bao gồm cấm vận lĩnh vực năng lượng.
Giới phân tích nhận định vòng trừng phạt mới nhất về tài chính của Mỹ và phương Tây làm dấy lên lo ngại về đứt gãy nguồn cung dầu thô từ Nga. Hôm 26/2, Mỹ, Canada cùng các đồng minh châu Âu đã thống nhất loại một số ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) - xương sống của hệ thống tài chính toàn cầu, giúp thực hiện nhanh chóng các giao dịch xuyên biên giới.
Nga là nhà cung ứng dầu mỏ, khí đốt hàng đầu thế giới, đặc biệt là cho thị trường châu Âu. Vòng trừng phạt mới nhất về SWIFT không đánh trực tiếp vào ngành năng lượng của Nga, nhưng tạo ra những tác động lan tỏa gián tiếp. “Nhiều lệnh trừng phạt về ngân hàng khiến Nga gặp khó khăn hơn trong bán xăng dầu. Đa phần các ngân hàng sẽ không cung cấp đủ tài chính cơ bản, do lo ngại rơi vào tiêu chí bị trừng phạt”, John Kilduff, chuyên gia tại Again Capital nhận định.
Trong khuyến nghị gửi tới khách hàng ngày 27/2, Ngân hàng RBC (Canada) lưu ý rằng nhiều công ty phương Tây có thể sẽ đi tới quyết định giảm dần hoạt động kinh doanh, làm ăn với Nga dựa trên những tính toán về nguy cơ, thiệt hại trong môi trường thiếu ổn định khi trừng phạt tài chính được thực thi.
Người tiêu dùng Mỹ đã bắt đầu cảm nhận được tác động từ giá dầu tăng cao. Giá bán xăng trung bình tại Mỹ hôm 27/2 đã lên mức 3,60 USD/gallon (1 gallon tương đương 3,78 lít). Nhà Trắng cho biết đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp nhằm giảm thiểu gánh nặng với người tiêu dùng Mỹ về giá xăng dầu.