Điều này đã gây ảnh hưởng mạnh đối với các hộ gia đình có hệ thống sưởi ấm bằng khí đốt, chiếm khoảng 42% số hộ dân tại Pháp.
Ủy ban Điều tiết Năng lượng (CRE) của Pháp giải thích việc điều chỉnh giá khí đốt được tính toán dựa trên thực tế là giá dầu mỏ thế giới tăng đáng kể trong những tháng gần đây.
Chi phí liên quan đến thuế quan cũng tăng lên khi công ty năng lượng Engie phải nhập khẩu đến 99% lượng khí đốt tiêu thụ, do đó giá cả phải điều chỉnh theo giá thị trường, vốn đã tăng lên trong thời gian gần đây.
Giá khí đốt cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như chi phí vận chuyển và phân phối, cũng như các khoản thuế bổ sung.
Theo tờ La Croix, tình trạng trên đã làm dấy lên bất bình trong người dân. Việc giá xăng dầu tăng gây phản ứng mạnh tại các vùng nông thôn, nơi thu nhập thường thấp và xe ô tô gần như là phương tiện duy nhất. Thị trưởng một địa bàn nhỏ tỉnh Ille-et-Vilaine ước tính mức độ tăng giá hiện nay khiến nhiều người phải trả thêm tổng cộng đến hơn 1.000 euro/năm.
La Croix dự đoán thuế đánh vào xăng dầu, nhất là thuế carbon sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Dự kiến chính phủ sẽ tăng thuế carbon lên mức 86 euro/tấn, vào cuối nhiệm kỳ, tức gần gấp hai lần so với hiện nay. Thuế carbon, được đưa ra nhằm kìm hãm việc sử dụng năng lượng hóa thạch, mang lại cho ngân sách 11 tỷ euro trong năm 2017, và dự kiến là 19 tỷ euro vào năm 2019.
Bên cạnh vấn đề thuế là giá xăng dầu trên thị trường quốc tế cũng tăng mạnh, do căng thẳng quốc tế liên quan đến Iran và Venezuela, hai quốc gia xuất khẩu dầu mỏ.
Giá dầu thế giới hiện dao động trong khoảng 70 USD/thùng, so với mức 50 USD vào đầu năm, và 30 USD của năm 2016.