Theo dự đoán của hầu hết các chuyên gia, giá dầu Brent sẽ sụt giảm và gặp khó khăn để tìm cách vượt qua mức giá trung bình 63 USD/thùng của tháng 11/2019.
Trong báo cáo tháng 12/2019, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo giá dầu Brent giao ngay dừng ở mức trung bình khoảng 61 USD/thùng vào năm 2020, giảm từ mức trung bình 64 USD/thùng ước tính cho năm 2019. Mức giá của dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) trong năm tới dự kiến thấp hơn 5,5 USD/thùng so với dầu Brent. EIA chỉ rõ dự báo này dựa trên khả năng lượng dầu dự trữ toàn cầu sẽ tăng, nhất là vào 6 tháng đầu năm 2020.
Trong bối cảnh giá dầu có nguy cơ trượt dốc, các quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nỗ lực ngăn chặn xu hướng này bằng cách thực thi thỏa thuận hồi đầu tháng 12 vừa qua của các nước OPEC+, theo đó sẽ cắt giảm sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày. Điều này giúp đã đưa tổng sản lượng cắt giảm của OPEC+ lên mức 1,7 triệu thùng/ngày nhằm đẩy giá dầu lên cao hơn.
Trong khi đó, theo Ngân hàng Nhật Bản MUFG, đã xuất hiện tín hiệu cho thấy thị trường dầu mỏ dư thừa 300.000 thùng dầu/ngày vào năm 2020. Trong một báo cáo gần đây, MUFG cho biết vẫn duy trì dự báo giá dầu Brent và WTI tương ứng ở mức 59 USD/thùng và 55 USD/thùng vào năm 2020.
Trái với dự báo lạc quan này, Viện Tài chính Quốc tế (IIF), có trụ sở tại Washington. DC, nhận định việc cắt giảm sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày của OPEC+ không đủ để kiềm chế nguồn cung vượt cầu vào năm 2020, vì OPEC+ vốn đã cắt giảm vượt mục tiêu 1,2 triệu thùng/ngày của thỏa thuận trước đó.
Theo cơ quan này, hoạt động sản xuất dầu mỏ mạnh mẽ tại Mỹ, Canada, Brazil cùng với việc một số quốc gia OPEC+ thờ ơ với thỏa thuận cắt giảm sản lượng, và nhu cầu yêu ớt là những yếu tố khiến lượng dầu dự trữ trên toàn thế giới tăng thêm 1,1 triệu thùng/ ngày trong năm tới. Với xu hướng này, IIF dự báo giá dầu Brent sẽ tụt xuống còn 60 USD/thùng vào năm sau, thấp hơn so với mức trung bình 64 USD/thùng của năm 2019.
Tuy nhiên, vẫn có một số nhà phân tích nhận thấy có lý do để “vàng đen” tăng giá và vượt mức trung bình của năm 2019. Theo nhóm nghiên cứu toàn cầu của ngân hàng Bank of America Merrill Lynch (BofA), trong trường hợp các nước thành viên OPEC+ thực thi nghiêm túc thỏa thuận cắt giảm sản lượng cùng với những diễn biến kinh tế kinh tế tích cực khác, như sự gia tăng nguồn dầu trong kho dự trữ toàn cầu và một thỏa thuận thương mại tạm thời giữa Mỹ và Trung Quốc, thì giá dầu Brent có thể nâng lên mức 70 USD/thùng.
Trong khi đó, J.P. Morgan đã cập nhật dự báo giá dầu Brent từ mức 59 USD/thùng trước đó lên 64,50 USD/thùng trong năm 2020. Nhưng ngân hàng này dự báo giá dầu sẽ giảm xuống còn 61,50 USD/thùng vào năm 2021.
Giới chuyên gia còn cho biết triển vọng giá dầu Brent ở mức 70 USD/thùng là chưa đủ để cân băng ngân sách của các nước OPEC. Do vậy để ngăn chặn nguy cơ mức thâm hụt ngân sách tăng lên 7% GDP trong năm 2020, các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn, trong đó có Saudi Arabia sẽ phải có những động thái khác để đẩy giá "vàng đen" lên cao hơn, ít nhất ở mức 77 - 78 USD/thùng.