Theo hãng tin Bloomberg, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu theo hợp đồng tương lai chuẩn đã tăng 8% trong tuần qua. Mặc dù đã giảm so với mức cao nhất vào mùa hè do nguồn cung khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) dồi dào giúp lấp đầy kho dự trữ châu Âu, nhưng các chuyên gia cho rằng giá khí đốt ở châu lục này có thể bắt đầu tăng trở lại.
Báo cáo của hãng dữ liệu tài chính Refinitiv Eikon cho biết hợp đồng tương lai khí đốt tự nhiên trên sàn TTF của Hà Lan cho tháng 12 tăng 1% lên 130 USD/megawatt /giờ và các hợp đồng tháng 1 tăng lên 133,6 USD/megawatt /giờ.
Nhu cầu sưởi ấm khi mùa đông đến gần sẽ tiếp tục đẩy giá khí đốt lên cao và đã khiến các nước EU bắt đầu bơm khí đốt từ các kho dự trữ. Kho dự trữ ở Italy đã giảm từ 95,4% xuống 93,5% do nước này phải đối mặt với nhu cầu tăng cao vào tháng 11.
Trước đó, hôm 24/11, Ủy ban Châu Âu đã áp đặt giới hạn mức tiêu thụ khí đốt trong mùa đông này. Giới chức cũng khuyến cáo các quốc gia nên lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt ít nhất 45% trước ngày 1/2/2023.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng tình hình ở châu Âu vẫn còn nhiều thách thức vì nhu cầu tiêu thụ gia tăng nhanh chóng có thể làm cạn kiệt kho dự trữ và khiến thị trường bị gián đoạn nguồn cung. Trong bối cảnh đó, sự bất ổn xung quanh dòng khí đốt của Nga qua Ukraine là yếu tố sẽ thúc đẩy giá tăng cao hơn.
Hôm 22/11, Gazprom cảnh báo tập đoàn năng lượng này có thể phải cắt giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên tới Moldova trên đường ống khí đốt thông qua Ukraine từ ngày 28/11. Gazprom cáo buộc phía Kiev đã giữ lại 52,52 triệu m3 khí đốt mà Nga chuyển cho quốc gia Đông Âu này. Tuy nhiên, cả Moldova và Ukraine đều bác bỏ thông tin do Gazprom cung cấp. Phía Kiev tuyên bố, toàn bộ lượng khí đốt Nga chuyển qua nước này đều được vận chuyển đầy đủ tới Moldova.
Kể từ khi triển chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, Nga đã cắt giảm phần lớn nguồn cung khí đốt tự nhiên qua châu Âu, viện dẫn vấn đề về thanh toán và bảo trì trong bối cảnh Moskva bị phương Tây áp hàng loạt lệnh trừng phạt. Châu Âu cáo buộc Nga vũ khí hóa nguồn cung năng lượng, điều mà Moskva nhiều lần bác bỏ. Nga cho rằng chính các lệnh trừng phạt phương Tây đã gây tác dụng ngược, khiến châu Âu phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Trong bối cảnh mùa đông đang tới gần và nhu cầu của châu Âu khí đốt để sưởi ấm cũng như cấp điện và vận hành các nhà máy gia tăng, nếu Nga tiếp tục cắt giảm nguồn cung tới châu Âu, giá của mặt hàng này có thể sẽ tiếp tục tăng. Diễn biến này có thể khiến lạm phát và khủng hoảng năng lượng ở châu Âu trở nên trầm trọng.