Trong khi đó, các hợp đồng khí đốt tương lai giao dịch trong khoảng 1.530-2.5 USD/1.000 mét khối. Hồi tháng 7 năm ngoái, giá chỉ ở mức dưới 500 USD/1.000 mét khối.
Các chuyên gia cho rằng giá khí đốt sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung từ Nga ngày càng hạn hẹp. Alexander Amiragyan, Giám đốc Cơ quan Năng lượng và Nhiên liệu Nga cho biết: “Với nguồn cung từ Nga ở mức thấp, không nên kỳ vọng giá khí đốt ở châu Âu sẽ giảm, vì các tuyến đường cung cấp thay thế trong ngắn hạn sẽ không thể bù đắp cho sự sụt giảm khối lượng khí đốt của Nga”.
Theo ông Amiragyan, giá cao hiện nay là do nhiều yếu tố như không chắc chắn về triển vọng khôi phục nguồn cung cấp khí đốt từ Nga, thời tiết nắng nóng ở châu Âu và giảm sản xuất năng lượng từ các nguồn thay thế.
Nhà phân tích trên lưu ý thêm rằng giá khí đốt sẽ tiếp tục leo thang trong trường hợp cạnh tranh gia tăng giữa người tiêu dùng châu Âu và châu Á trên thị trường thế giới.
Ronald Smith, Chuyên gia phân tích cấp cao tại BCS Global Markets, nhấn mạnh rằng thị trường khí đốt châu Âu đang thiếu hụt nguồn cung cơ bản và giá bán buôn có thể tăng đáng kể vào cuối tháng 10 tới, khi thời tiết bắt đầu lạnh hơn.
Tình hình giá cả trên thị trường khí đốt leo thang vào giữa mùa Xuân, khi một số công ty ở châu Âu không đồng ý thanh toán bằng đồng rúp. Do đó, từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 6, công ty Gazprom của Nga đã ngừng bán khí đốt cho Bulgaria, Ba Lan, Phần Lan, Hà Lan và Đan Mạch. Trong khi đó, cung cấp khí đốt dọc theo các tuyến đường chính - Dòng chảy phương Bắc 1 và hệ thống dẫn khí đốt qua Ukraine - đã bị cắt giảm đáng kể.