Giá lương thực toàn cầu tiến gần mức cao kỷ lục

Giá lương thực toàn cầu đã nhảy vọt trong tháng 10, tiếp đà tăng hướng đến mức cao kỷ lục, đồng thời gây thêm áp lực lạm phát với người tiêu dùng và các chính phủ. 

Chú thích ảnh
Tháng 10/2021 là tháng thứ ba liên tiếp giá lương thực thế giới tăng và leo lên mức cao mới trong 10 năm. Ảnh: Bloomberg

Một chỉ số của Liên hợp quốc theo dõi các mặt hàng chủ lực từ lúa mì đến dầu thực vật đã tăng 3% lên mức cao nhất 10 năm trong tháng 10 qua, đe dọa làm hóa đơn chi tiêu của các hộ gia đình đang chịu khó khăn của đại dịch COVID-19 sẽ còn leo thang hơn nữa. 

Điều đó cũng có thể làm tăng thêm nỗi lo lạm phát của các ngân hàng trung ương và có nguy cơ làm trầm trọng thêm nạn đói toàn cầu đang ở mức cao trong nhiều năm.

Năm nay, thời tiết xấu đã ảnh hưởng đến hoạt động thu hoạch nông sản trên khắp thế giới. Chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao và tình trạng thiếu lao động đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng thực phẩm từ trang trại đến siêu thị. Cuộc khủng hoảng năng lượng cũng là một vấn đề đau đầu, buộc các cơ sở trồng rau trong nhà kính phải tắt điện, dừng sản xuất, cộng với mối rủi ro về giá phân bón đắt đỏ. 

Ông Abdolreza Abbassian, nhà kinh tế cấp cao tại Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết: “Vấn đề về đầu vào và phân bón cũng như tác động của chúng đối với vụ mùa năm tới vẫn là một mối lo”. Một số khu vực nhiều khả năng tiếp tục phải đối mặt với những thách thức về an ninh lương thực. 

Liên hợp quốc ngày 4/11 đã nâng triển vọng thương mại lúa mì toàn cầu lên mức kỷ lục khi lượng mua tăng mạnh tại các quốc gia Trung Đông từ Iran đến Afghanistan. Hạn hán tại khu vực này đã ảnh hưởng đến vụ mùa, tăng mức độ phụ thuộc vào ngũ cốc nhập khẩu vào thời điểm giá cả tăng cao. 

Điển hình, trong bối cảnh những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra còn chưa qua, các cư dân tại “đảo quốc sư tử” Singapore sẽ tiếp tục phải đối mặt với những áp lực mới trong cuộc sống do giá cả tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, từ giá điện, thực phẩm, cho tới chi phí đi lại hàng ngày.

Trả lời chất vấn của các nghị sỹ Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Gan Kim Yong ngày 3/11 cho biết giá lương, thực phẩm tại Singapore dự báo sẽ tiếp tục gia tăng hơn nữa trong những tháng tới. Nguyên nhân do một số yếu tố, trong đó có giá nhập khẩu, chi phí năng lượng, vận tải, nhân công và những thay đổi thời tiết theo mùa.

Việc tăng giá lương thực đang gợi nhắc về đợt tăng đột biến năm 2008 và năm 2011, góp phần gây ra các cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Giới chức các quốc gia như ở Bắc Phi và Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt khó khăn trong việc bảo vệ người mua hàng khỏi cú tác động này.

Tuy nhiên, theo ông Abdolreza Abbassian, thị trường vẫn có dấu hiệu ổn định giá đối với một số loại thực phẩm. Hai mặt hàng là thịt và đường đã giảm giá vào tháng trước. Nguồn cung cấp ngũ cốc và hạt có dầu trên toàn cầu đủ để đáp ứng nhu cầu và giá gạo - một trong những mặt hàng chủ lực của thế giới - vẫn ở mức thấp.

Chỉ số giá lương thực của FAO theo dõi giá quốc tế của hầu hết các mặt hàng lương thực giao dịch toàn cầu. Trong tháng 10, chỉ số đạt trung bình 133,2 điểm so với 129,2 điểm trong tháng 9. Đây là mức điểm theo tháng cao nhất kể từ tháng 7/2011. Tính theo năm, chỉ số này tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong năm 2020, giá lương thực tăng mạnh do mất mùa và nhu cầu cao.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (theo Bloomberg)
COVID-19 tới 6h sáng 5/11: Dịch bùng mạnh ở châu Âu; Số người chết ở Nga lại cao kỷ lục
COVID-19 tới 6h sáng 5/11: Dịch bùng mạnh ở châu Âu; Số người chết ở Nga lại cao kỷ lục

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 469.000 ca mắc COVID-19 và trên 6.600 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 249 triệu ca, trong đó trên 5,04 triệu ca tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN