Tờ Strait Times đưa tin giá của một hộp khẩu trang loại N95 3M tại Pasar Pramuka – chợ bán dược phẩm và thiết bị y tế lớn tại Jakarta – đã tăng gấp 7 lần lên mức 1,5 triệu rupiah (khoảng 2,5 triệu đồng). Trong khi đó, giá của 1 gram vàng ở Indonesia hiện ở mức 800.000 rupiah.
Tình trạng khẩu trang tăng giá đột biến tại Indonesia vẫn xảy ra bất chấp thực tế chưa phát hiện bất kỳ ca nhiễm nào liên quan tới dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID 19) – khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc – tại quốc đảo rộng lớn với 260 triệu dân này.
Nhu cầu mua khẩu trang y tế để phòng dịch bệnh của người dân Indonesia đã lên cao đỉnh điểm. Rất nhiều hiệu thuốc ở thủ đô Jakarta rơi vào tình trạng “cháy hàng”. Được biết, loại khẩu trang y tế ba lớp mỏng hơn cũng có giá lên đến 275.000 rupiah cho một hộp 50 chiếc. Bình thường, giá của sản phẩm này là 30.000 rupiah.
Hội tiêu dùng Indonesia (YLKI) đã mạnh mẽ lên án chính phủ nước này vì không hành động tháo gỡ tình hình căng thẳng hiện nay. YLKI kêu gọi Ủy ban giám sát cạnh tranh kinh doanh (KPPU) mở cuộc điều tra tình trạng khẩu trang bị bán giá “cắt cổ” như vậy.
“Chúng tôi đang kêu gọi KPPU và cảnh sát đưa ra các biện pháp cứng rắn để ngăn chặn bất kỳ đối tượng nào hành động vô trách nhiệm như vậy”, Chủ tịch YLKI Sudaryatmo cho biết. Theo ông, chính phủ nên hành động cũng như đặt ra mức trần tăng giá là 30% so với giá thông thường. Bất cứ hành vi bán khẩu trang vượt giá trần sẽ bị xử phạt.
Bên phân phối cũng bắt đầu giới hạn nguồn cung cho các nhà bán lẻ. Bà Toko Aini, chủ một hiệu thuốc tại Pasar Pramuka chia sẻ với Strait Times rằng nhà phân phối chỉ để bà mua 5 – 10 thùng khẩu trang, giảm mạnh so với mức 50 thùng bà từng mua trước đây.
“Người bán buôn nói với tôi rằng họ phải cung ứng cho cả các đơn đặt hàng từ nước ngoài, Trung Quốc và Nhật Bản”, bà Aini nói. Bà cho biết mặt hàng nước rửa tay cũng “cháy hàng”. Một chai loại 500ml hiện có giá 80.000 rupiah trong khi trước đó là 45.000 rupiah.
Tính đến ngày 10/2, Bộ Y tế Indonesia thông báo số ca nghi nhiễm virus nCoV ở nước này là 62 người, trong đó 59 người cho kết quả xét nghiệm âm tính. Thời kỳ dịch SARS bùng phát năm 2003, tại Indonesia chỉ ghi nhận 5 ca nhiễm và không hề có bệnh nhân tử vong vì căn bệnh này.
Sáng 12/2, các hãng tin quốc tế dẫn thông báo cập nhật hằng ngày của Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc cho biết tỉnh này đã ghi nhận thêm 94 trường hợp tử vong vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa chính thức đặt tên là COVID-19, nâng tổng số người thiệt mạng tại Trung Quốc đại lục lên 1.113 người. Trên cả nước Trung Quốc, hiện có hơn 44.653 ca nhiễm.
Phát biểu với báo giới ở Geneva (Thụy Sĩ) khi tham dự Diễn đàn Nghiên cứu và đổi mới toàn cầu tại trụ sở WHO ngày 11/2, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo COVID-19 có thể "gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn hành động khủng bố", và kêu gọi thế giới cần "tỉnh táo và coi virus này là kẻ thù chung số 1".
Theo Tổng Giám đốc WHO, dù 99% ca nhiễm ở Trung Quốc đại lục, nhưng COVID-19 "cũng là một mối đe dọa rất nghiêm trọng đối với phần còn lại của thế giới". Ông nhấn mạnh "chúng ta phải tận dụng mọi cơ hội để cùng hành động chống lại virus ở mọi nơi", đồng thời cảnh báo nếu không hành động sẽ có thêm nhiều ca nhiễm và tử vong trong tương lai.