Hai năm trước, Iraq gần như cạn kiệt ngân sách. Iraq là nhà sản xuất dầu lớn thứ năm thế giới nhưng chính vì hầu hết mọi thứ nước này kiếm được đều đến từ việc bán dầu nên ngân sách cũng phụ thuộc vào giá dầu toàn cầu.
Năm 2015, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Iraq có thể cạn kiệt tiền trong vòng 5 năm nếu nước này không đa dạng hóa nền kinh tế khỏi dầu mỏ. Vào năm 2020, dự đoán này gần như trở thành hiện thực khi dịch COVID-19 khiến giá dầu đã giảm hơn một phần ba và thu nhập quốc gia của Iraq giảm gần như một nửa.
Theo DW, đó là vấn đề lớn vì hầu như tất cả số tiền Iraq kiếm được đều được dùng để trả cho các dịch vụ nhà nước và trả lương cho công nhân viên chức. Iraq sở hữu một trong những lực lượng lao động trong khu vực công lớn nhất trên thế giới và chính phủ nước này hiện trả lương hoặc các khoản phúc lợi như lương hưu cho khoảng 7 triệu người. Trong vài tháng cuối năm 2020, chính phủ Iraq không thể trả lương đúng hạn, làm dấy lên các cuộc biểu tình khắp cả nước. Rõ ràng là khi thế giới hướng tới các năng lượng thân thiện với môi trường hơn, Iraq sẽ cần phải tìm các nguồn thu nhập khác.
Tháng 10/2020, Bộ Tài chính Iraq đã xuất bản "sách trắng về cải cách kinh tế" nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách kinh tế.
Nhiều quốc gia tại Trung Đông hướng tới cải cách kinh tế giảm phụ thuộc vào dầu mỏ như Iraq. Từ năm 2016, Saudi Arabia đã bắt tay vào dự án “Tầm nhìn 2030” với nội dung phối hợp thay đổi xã hội và tài chính hướng đến năng lượng tái tạo. Trong khi đó, UAE đang cố gắng đa dạng hóa thu nhập bằng cách trở thành một trung tâm tài chính của khu vực.
Nhưng xung đột Nga-Ukraine bùng phát khiến giá “vàng đen” tăng cao. Điều này là tin xấu đối với người tiêu dùng châu Âu nhưng lại là tin tốt cho những nước khai thác dầu mỏ và khí đốt như Iraq, Saudi Arabia, Qatar và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), giá dầu tăng 55% trong khoảng thời gian từ tháng 12/2021 đến tháng 3 năm nay, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Điều đó có nghĩa là nguồn thu của các nhà sản xuất năng lượng Trung Đông tăng vọt. Vào tháng 3, xuất khẩu dầu của Iraq đạt giá trị hơn 11 tỷ USD, số tiền cao nhất mà nước này kiếm được từ dầu nhiều nhất trong một tháng kể từ năm 1972.
Tuy nhiên, học giả Robert Mogielnicki tại Viện các quốc gia vùng Vịnh Arab (Mỹ) nhận định rằng giá năng lượng tăng cao không thay đổi chính trị. Ông nói: “Chắc chắn chúng ta đang hướng đến tương lai xanh hơn. Chỉ chưa rõ khi nào điều đó sẽ xảy ra. Đó là lý do tại sao các nước đang tạo ra động lực lớn để thâm nhập vào các thị trường năng lượng mới”.
Ông Renad Mansour tại Viện nghiên cứu Chatham House (Anh) lại đề cập đến trường hợp của Iraq. Ông cho rằng giá dầu tăng cao khó đẩy nhanh hoặc giảm tốc cải tổ tại Iraq. Ông nói: “Khi giá dầu tăng cao, có thể sẽ có ít động lực để cố gắng và cải cách. Tuy nhiên, ngay cả khi giá dầu thấp, chúng ta vẫn không thấy nhiều cải cách tại Iraq”.
Bà Karen Young tại Viện Trung Đông ở Washington (Mỹ) phân tích rằng các quốc gia vùng Vịnh nói riêng đang tận dụng thời điểm này, không chỉ vì vào giá dầu cao hơn mà còn do sự biến động của thị trường nói chung. Viễn cảnh lạm phát gia tăng, thiếu lương thực, kết hợp với giá dầu cao hơn, sẽ làm trầm trọng thêm sự khác biệt giữa các quốc gia trong khu vực. Các quốc gia sản xuất dầu sẽ vượt qua khủng hoảng tốt hơn.