Giá nhiên liệu bùng nổ đã ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế khu vực. Kết hợp với nhập khẩu tăng mạnh từ Trung Quốc, eurozone đã phải nhận mức thâm hụt thương mại hàng hóa cao nhất trong 13 năm qua.
Cụ thể, theo dữ liệu của Eurostat, nhập khẩu hàng hóa của khu vực eurozone tăng 36,7% trong tháng 12/2021 so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do giá nhiên liệu tăng cao trong khi đây là mặt hàng chiến lược mà châu Âu phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Cùng lúc xuất khẩu của eurozone tăng 14,1% trong cùng thời kỳ.
Mức thâm hụt thương mại tăng 53% so với cùng kỳ năm 2020 cũng còn do hiệu ứng tăng nhập khẩu từ Trung Quốc. Hệ quả là trong tháng 12/2021, eurozone ghi nhận thâm hụt 9,7 tỉ euro (11,01 tỉ USD), mức cao nhất kể từ thời điểm tháng 8/2008 sau khi đã điều chỉnh yếu tố thời vụ.
Tính trong cả năm 2021, eurozone ghi nhận thặng dư thương mại với phần còn lại của thế giới, nhưng giá trị thặng dư giảm xuống chỉ còn 145,82 tỉ USD, giảm 45% so với một năm 2020. Mức thặng dư gặp “cơn gió nghịch” trong khoảng thời gian 6 tháng cuối năm.
Châu Âu phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga, với việc Nga là nhà cung ứng hơn 40% khí đốt và 30% dầu mỏ nhập khẩu của khu vực. Giá hai mặt hàng này tăng mạnh liên quan đến khủng hoảng tại Ukraine. Giá nhiên liệu là một phần, nhưng cũng phải kể đến một nhân tố khác là thâm hụt thương mại trước Trung Quốc.