Giá khí hóa lỏng (LNG) trên thị trường Đông Á lên mức kỉ lục trong ngày 30/9, khi Trung Quốc lệnh cho các nhà máy điện bằng mọi giá phải đảm bảo đủ nguồn điện để duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa. Nhưng căng thẳng trên thị trường năng lượng không chỉ bó hẹp trong khu vực địa lý này: giá khí đốt tại châu Âu cũng lên mức kỉ lục, còn tại Mỹ cũng lên mức cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây. Giá xăng tại Anh lên mức cao nhất trong 8 năm.
Giá nhiên liệu có xu hướng tăng ổn định trong quý vừa qua, nhưng bứt phá mạnh trong trong ngày 30/9 khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính (Han Zheng) lệnh cho các công ty năng lượng nhà nước phải bảo đảm nguồn cung “bằng bất kỳ giá nào” trong mùa đông năm nay. Ông Hàn Chính là người phụ trách ngành năng lượng và sản xuất công nghiệp và thông điệp được ông đưa ra là chính phủ Trung Quốc không chấp nhận để xảy ra tình trạng cắt điện.
Trung Quốc gần đây bị đẩy vào tình cảnh thiếu điện trầm trọng, khi nhiều nhà máy, nhất là nhiệt điện chạy than, phải cắt giảm sản lượng điện. Cùng lúc, Trung Quốc vẫn duy trì lệnh cấm nhập khẩu than từ Australia. Theo Warren Patterson – Trưởng bộ phận hàng hóa chiến lược tại tập đoàn ING, nguyên liệu đầu vào cho nhà máy nhiệt điện, khí hóa lỏng sẽ được Trung Quốc chào mua mạnh hơn. Điều này sẽ gây thêm sức ép cho thị trường khí đốt tại châu Âu.
Đại dịch COVID-19 xuất hiện đã hủy hoại nhu cầu tiêu thụ năng lượng, đẩy giá nhiều mặt hàng xuống đáy, thậm chí có thời điểm giá dầu được giao dịch ở mức giá âm – điều chưa có tiền lệ. Khi nhu cầu phục hồi do nhiều nước mở cửa trở lại nền kinh tế, nguồn cung lại tăng chậm chạp, do nguồn vốn đầu tư trước đó chảy sang các nguồn năng lượng tái tạo.
Giới phân tích nhận định, thị trường năng lượng thực sự có vấn đề về cấu trúc. Hàng hóa là hàng hóa, không thể đơn giản vận hành theo kiểu bật-tắt công tắc. Không thể trông đợi nguồn cung nhanh chóng quay trở lại nếu như thị trường dầu mỏ, khí đốt vừa trải qua thời kỳ ít được quan tâm, đầu tư, nguồn lực được dồn sang cho năng lượng tái tạo. Tác động của tăng giá thể hiện rõ trên hầu khắp các thị trường, tạo sức ép về lạm pháp, đẩy giá tiêu dùng tăng ở ngưỡng cao hơn kỳ vọng trước đó của giới kinh tế.
“Căng thẳng và đứt gãy nguồn cung mang tính liên tục và rộng khắp hơn so với những đánh giá trước đó. Đây là nguy cơ cho triển vọng tăng trưởng và lạm phát. Thể hiện rõ nhất về vấn đề nguồn cung là giá khí đốt và nhìn rộng ra là giá nhiên liệu. Những diễn tiến gắn với đại dịch COVID-19 đã làm phát lộ nhiều điểm tồn tại thuộc về cấu trúc nguồn cung trong ngành năng lượng. Lợi nhuận suy giảm cùng với các nỗ lực trung hòa carbon khiến đầu tư cho ngành năng lượng hóa thạch đứng ở mức thấp trong nhiều năm tới”, Silvia Dall’Angelo, chuyên gia kinh tế tại Federated Hermes, bình luận.
Ở những chu kỳ tăng giá trước, ngành khai thác dầu đá phiến của Mỹ thường can thiệp tức thời để tăng nguồn cung. Nhưng trong vòng xoáy tăng giá mới nhất trên thị trường năng lượng lần này, nguồn cung từ Mỹ không có nhiều tác động. Mỹ không có động thái đáng chú ý nào ngoài việc kêu gọi Tổ chức các nước xuất khầu dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng khai thác.
Nguyên nhân là bởi ngay từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Joe Biden đã ra quyết định tạm ngừng cấp phép dầu khí trên các vùng đất liên bang và ngoài khơi trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, chuyển hướng sang năng lượng tái tạo. Quyết định của ông Biden vấp phải sự phản đối từ ngành dầu khí, các hiệp hội thương mại năng lượng, một số bang vùng Vịnh Mexico và bờ Tây. Nhưng hiện nay chưa có quyết định cuối cùng về cấp phép trở lại hay không.