Bộ trên cũng thông báo có 612 người khỏi bệnh và thêm 3 ca tử vong trong 24 giờ qua. Như vậy, đến nay Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 23.282 ca mắc COVID-19, trong đó 22.646 ca liên quan đến “sự cố cộng đồng ngày 20/2” và 159 ca tử vong.
Báo Khmer Times cùng ngày đưa tin trong khi số ca lây nhiễm cộng đồng giảm tại thủ đô Phnom Penh thì các tỉnh Takeo, Kampong Chhnang và tiếp theo là Kampong Cham trở thành các “điểm nóng” mới về lây nhiễm COVID-19 ở nước này.
Theo báo trên, chính quyền tỉnh Kampong Cham sáng 19/5 đã ra thông cáo về 35 ca mắc mới COVID-19 là công nhân nhà máy ở các huyện Cheung Prey, Batheay và Kampong Siem, trong khi tỉnh Takeo chỉ trong 2 ngày qua phát hiện trên 80 ca mắc mới.
Tại tỉnh Kampong Chhnang, Sở Y tế tỉnh ngày 18/5 đã thông báo 21 ca mắc mới COVID-19 là công nhân Công ty Horizon Outdoor (Cambodia) Co Ltd ở huyện Kampong Tralach. Trước tình hình này, chính quyền địa phương đã phải phong tỏa 6 làng thuộc các huyện Boribo, Samaki Meanchey và Kampong Tralach để ngăn chặn dịch bệnh.
* Tại Lào, Bộ Y tế nước này chiều 19/5 thông báo ghi nhận 50 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 39 ca lây nhiễm cộng đồng và 11 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, huyện Ton Pheung, thuộc tỉnh Bokeo, Bắc Lào tiếp tục là điểm có số ca nhiễm cao nhất với 21 ca, tiếp đến là thủ đô Viêng Chăn với 16 ca. Đáng chú ý, trong ngày 18/5, huyện Ton Pheung lấy mẫu xét nghiệm 25 trường hợp thì có tới 21 ca dương tính với COVID-19, điều này cho thấy mức độ lây lan cao tại khu vực này, tập trung chủ yếu tại Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng do Trung Quốc đầu tư. Kể từ khi xuất hiện làn sóng dịch COVID-19 thứ 2 tại Lào, đặc khu kinh tế Tam giác Vàng đã ghi nhận gần 500 trăm ca lây nhiễm trong cộng đồng - chỉ sau thủ đô Viêng Chăn - trong đó có nhiều người nước ngoài.
Phát biểu tại cuộc họp báo chiều 19/5, đại diện Bộ Y tế Lào cho biết lây nhiễm cộng đồng vẫn là một vấn đề lớn tại Lào khi xuất hiện ngày càng nhiều các chùm ca lây nhiễm trong gia đình do nhiều người không tuân thủ các quy định phòng dịch của Chính phủ.
Đến nay Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.737 ca mắc COVID-19, trong đó có trên 1.600 ca được phát hiện từ cuối tháng 4 đến nay và chỉ ghi nhận 2 trường hợp từ vong.
* Malaysia ngày 19/5 thông báo ghi nhận 6.075 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 485.469, trong đó 1.994 người tử vong.
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Bộ Y tế Malaysia cho biết bang Selangor vẫn là bang có số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất, với 2.251 ca; tiếp đến là Johor với 699 ca và Kuala Lumpur với 660 ca.
Giới chức Bộ Y tế Malaysia cho biết hệ thống chăm sóc sức khỏe đã chạy hết công suất và cần phải phong tỏa toàn diện để khống chế dịch bệnh.
Hiện nay, Malaysia đang thực hiện Lệnh hạn chế dịch chuyển lần thứ 3 kể từ khi đại dịch bùng phát. Đợt hạn chế này bắt đầu từ ngày 12/5 và dự kiến kéo dài tới ngày 7/6. Tuy nhiên, đợt hạn chế này nới lỏng hơn nhiều so với 2 đợt trước, theo đó hầu hết các lĩnh vực kinh tế được tiếp tục hoạt động trên cơ sở tuân thủ các quy định phòng dịch.
* Tại Philippines, Bộ Y tế (DOH) cùng ngày thông báo ghi nhận 4.700 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở quốc gia Đông Nam Á này lên 1.159.071 ca. Số ca tử vong do COVID-19 ở nước này cũng tăng lên 19.507 ca sau khi có thêm 136 bệnh nhân tử vong.
* Tại Hàn Quốc, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (KDCA) cho biết nước này đã ghi nhận 654 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 637 ca lây nhiễm cộng đồng, nâng tổng số ca mắc lên 133.471 người. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 8 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số lên 1.912 ca.
Giới chức y tế Hàn Quốc vẫn đang cảnh giác trước nguy cơ bùng phát một làn sóng lây nhiễm mới khi các ổ dịch mới liên tục được phát hiện và số ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ngày một tăng.