Cuộc khảo sát được tiến hành đồng thời ở 187 đô thị thuộc vùng Lombardy, những nơi có điều kiện địa lý, quy mô dân số và đặc điểm xã hội khác nhau. Đáng chú ý, kết quả ghi nhận mức tăng 22% các trường hợp bị cắn, tấn công bởi chó pitbull và các giống chó bull, molossoid nói chung. Tỷ lệ này còn tăng đến 44% nếu chỉ tính riêng ở các đô thị có dân số trên hơn 10.000 người. Trong khi đó, số trường hợp cần yêu cầu cảnh sát can thiệp liên quan loại chó này tăng 6% (16% ở các trung tâm lớn). Một dữ liệu đáng chú ý khác là cũng trong khoảng thời gian được khảo sát, tỷ lệ vật nuôi bị bỏ rơi tăng 19%, ở các đô thị lớn là hơn 40%.
Theo quy định hiện hành, chính quyền các đô thị Italy có trách nhiệm quản lý số động vật nuôi bị thất lạc, bỏ rơi trên phạm vi mình quản lý thông qua việc vây bắt và chuyển giao cho các cơ sở nuôi nhốt. Tuy nhiên, các hoạt động này đòi hỏi chí phí ngày càng lớn, nhất là cho khâu chăm sóc kéo dài. Tại các cơ sở nuôi nhốt, sự gia tăng về số lượng chó pitbull và các giống tương tự đang gây quá tải trầm trọng. Bởi với bản tính đặc biệt, giống chó này thường phải nhốt trong chuồng riêng, vốn có thể chứa cùng lúc nhiều cá thể chó thuộc giống khác. Các nhân viên chăm sóc cũng gặp nhiều khó khăn và phải thận trọng hơn khi tiếp cận các giống chó này. Chúng thường rất khó được nhận nuôi lại và do đó, có nguy cơ phải ở trong chuồng nhốt suốt phần đời còn lại. Cuộc khảo sát lưu ý rằng “việc bị nhốt trong một không gian hạn chế kéo dài càng khiến chúng phản ứng một cách nguy hiểm”.
Cũng theo khảo sát, bên cạnh một phần là bản tính hung dữ, thì cách chăm sóc và huấn luyện là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi của chúng. Những con chó này “nếu rơi vào tay kẻ xấu, có thể trở nên nguy hiểm”.