Theo đài RT, Cơ quan Thống kê Nhà nước Ukraine (Gosstat) cho biết trong tháng đầu tiên năm 2022, giá thực phẩm đã tăng 2,5%, trong đó giá bánh mì tăng 1,9% trong một tháng, giá trứng tăng 3,9% và giá rau tăng 20,5%. Chỉ có giá bơ và đường rẻ hơn.
Giá thực phẩm tăng gây khó khăn cho các hộ gia đình. Chi phí thực phẩm hàng tuần của người Ukraine đã tăng trung bình 10-15 USD.
Do đó, giá thực phẩm ở Kiev gần bằng giá ở Moskva – thành phố cũng đang chứng kiến giá các sản phẩm cơ bản tăng, trong khi mức lương trung bình ở Ukraine thấp hơn nhiều so với Nga.
Tờ Strana (Ukraine) đã so sánh giá tại các cửa hàng Auchan ở hai thủ đô bằng cách quy đổi đồng rúp Nga sang đơn vị tiền tệ Ukraine.
Kết quả là ở Kiev, giá bánh mì đắt gấp đôi. Giá thịt gà, sữa, dầu thực vật, mì ống, cà rốt, hành tây và dưa chuột ở Ukraine đắt hơn, trong khi ở Moskva, giá khoai tây và cà chua đắt hơn. Giá kiều mạch, bắp cải và trà gần như bằng nhau ở cả hai thành phố.
Tỷ lệ tăng giá đòi hỏi chính phủ ở cả hai nước can thiệp. Vào tháng 1, các nhà chức trách Ukraine đã đưa ra quy định tạm thời về giá đối với các sản phẩm cơ bản và giảm giá khí đốt cho các nhà sản xuất.
Hai tháng trước đó, chi phí gia tăng đã khiến Ngân hàng Trung ương Nga kêu gọi hành động ngay lập tức để giảm giá các loại thực phẩm cơ bản.
Giá thực phẩm ở Ukraine leo thang trong bối cảnh gia tăng căng thẳng với Nga. Ukraine và các nước phương Tây cáo buộc Nga có ý định xâm lược Ukraine khi điều quân mạnh tới khu vực biên giới với Ukraine. Trong khi đó, Nga bác bỏ cáo buộc, khẳng định không có ý đồ tấn công quốc gia nào và có toàn quyền điều binh sĩ trong phạm vi lãnh thổ. Hàng loạt động thái đã diễn ra giữa lãnh đạo các nước liên quan để giải quyết căng thẳng.
Trong khi đó, nhiều quốc gia đã sơ tán công dân khỏi Ukraine. Bộ Ngoại giao Israel ngày 12/2 đã ban bố cảnh báo đi lại đến Ukraine, trong đó hối thúc các công dân nước này rời khỏi quốc gia Đông Âu sớm nhất có thể.
Bộ Ngoại giao Italy cùng ngày đã chỉ thị các nhân viên không thiết yếu của Đại sứ quán Italy tại thủ đô Kiev của Ukraine về nước.
Bộ Ngoại giao Slovakia ngày 12/2 đã khuyến cáo các công dân nước này tránh đến quốc gia láng giềng Ukraine, đồng thời đang rút các thành viên trong gia đình của đội ngũ nhân viên ngoại giao tại Đại sứ quán Slovakia ở Kiev và Lãnh sự quán ở thành phố Uzhhorod, phía Tây Ukraine.
Cùng ngày, Ba Lan - quốc gia có chung đường biên giới với Ukraine - khuyến cáo người dân không nên thực hiện các chuyến đi không cần thiết đến nước láng giềng. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Ba Lan vẫn chưa quyết định sơ tán các nhân viên ngoại giao hoặc kêu gọi công dân rời khỏi Ukraine.
Trong một động thái tương tự, Bộ châu Âu và Ngoại giao Albania (MEFA) ngày 12/2 kêu gọi các công dân Albania ở Ukraine rời khỏi đất nước này “càng sớm càng tốt” trong bối cảnh căng thẳng leo thang gần biên giới Ukraine.
Đức, Bỉ, Hà Lan, Saudi Arabia, Jordan, Kuwait đã yêu cầu công dân rời khỏi Ukraine. Bộ Ngoại giao Litva cũng kêu gọi công dân tại Ukraine cân nhắc rời đi. Theo thông báo cùng ngày của Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ thị các nhân viên ngoại giao không thiết yếu của nước này rời khỏi quốc gia Đông Âu.
Trước tình hình căng thẳng ngày càng leo thang, Bộ Ngoại giao Ukraine ngày 12/2 đã lên tiếng kêu gọi người dân giữ bình tĩnh và tránh hoảng loạn. Thông báo của bộ trên nêu rõ: “Hiện tại, điều tối quan trọng là giữ bình tĩnh, đoàn kết trong nước, nhằm tránh các hành động gây mất ổn định và gây hoảng loạn”.