Chỉ số giá tiêu dùng tại nước này giảm 0,8% trong tháng trước, tháng giảm phát thứ tư liên tiếp, so với dự báo giảm 0,5% theo khảo sát của Bloomberg News.
Mức giảm trên là mạnh nhất kể từ nửa cuối năm 2009, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong khi đó, chỉ số giá của nhà sản xuất giảm 2,5%. Theo NBS, tình trạng sụt giảm mạnh là do giá cả trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán năm ngoái cao.
Trung Quốc rơi vào giảm phát vào tháng 7/2023, lần đầu tiên kể từ năm 2021 và giá chỉ tăng vào tháng 8/2023, sau đó liên tục giảm. Nhà kinh tế trưởng tại Trung Quốc Đại lục của ING, Lynn Song, cho rằng yếu tố chính gây giảm phát là giá thực phẩm giảm 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Song nói, dù ngược lại hoàn toàn với việc nhiều nền kinh tế khác đang có mức lạm phát vượt mục tiêu, các số liệu trên không có nghĩa Trung Quốc bị cuốn vào vòng xoáy giảm phát, khi số liệu tháng 1 có thể là thấp điểm của lạm phát trong chu kỳ hiện nay.
Số liệu mới có thể làm gia tăng kêu gọi các quan chức hành động mạnh hơn để tiếp sức cho nền kinh tế, khi việc ngân hàng trung ương hạ lãi suất và các biện pháp tăng cường cho vay đến nay có tác dụng hạn chế.
Các nhà phân tích cảnh báo Trung Quốc cần một kế hoạch kích thích để khôi phục lòng tin.