Đây là mức chênh lệch lớn nhất trong khoảng 40 năm kể từ tháng 1/1985, khi số liệu thống kê về giá trái cây bắt đầu được thu thập. Mức chênh lớn nhất trước đó được ghi nhận vào tháng 5/1991 với 37,2 điểm phần trăm.
Thông tin cho biết, trong tháng 2/2024, giá trái cây ở Hàn Quốc đã tăng tới 40,6%, mức cao nhất trong 32 năm 5 tháng kể từ mức 43,7% của tháng 9/1991.
Cụ thể: giá táo tăng đáng kể do sản lượng thu hoạch giảm vì nhiệt độ bất thường, đồng thời giá các loại trái cây khác thay thế cũng tăng. Mức tăng giá táo trong tháng 2/2024 là 71%, vượt mức 70% lần thứ ba trong lịch sử, sau tháng 3/1999 (77,6%) và tháng 10/2023 (74,7%). Tỷ lệ tăng giá lê là 61,1%, cao nhất trong 24 năm 5 tháng kể từ tháng 9/1999 (65,5%). Tỷ lệ tăng giá đào là 63,2%, và lập kỷ lục mới khi phá vỡ mức cao trước đó là 61,2% được ghi nhận vào tháng 7/1976. Tỷ lệ tăng giá đối với quả hồng là 55,9%, cao nhất trong 29 năm 6 tháng kể từ tháng 8/1994 (69,7%), và tỷ lệ tăng giá đối với dưa lê là 37,4%, cao nhất trong 13 năm 9 tháng kể từ tháng 5/2010 (42,9%). Tốc độ tăng giá quýt là 78,1%, cao nhất trong 6 năm 5 tháng kể từ tháng 9/2017 (83,9%). Giá dưa hấu (51,4%), dâu tây (23,3%) và anh đào (28,0%) cũng tăng ở mức cao.
Mức tăng giá của các mặt hàng hoa quả đã lên mức cao nhất có nghĩa là gánh nặng chi tiêu đang đè lên người tiêu dùng Hàn Quốc trong bối cảnh giá tiêu dùng nói chung tăng cao. Dự kiến giá trái cây sẽ tiếp tục neo ở mức cao trong năm nay.
Gần đây, người dân Hàn Quốc thường gọi táo là "táo vàng" do giá quá đắt đỏ. Vì không có sản phẩm thay thế phù hợp và khó nhập khẩu nên việc tăng giá đối với sản phẩm táo là khó tránh khỏi trong thời điểm hiện tại.
Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cho rằng nếu nhập khẩu trái cây ồ ạt vào sẽ dễ dẫn đến sâu bệnh xâm nhập thông qua hàng nhập khẩu, gây nguy cơ giảm sản lượng trồng trái cây trong nước và gia tăng chi phí sản xuất. Những yếu tố này sẽ tiếp tục đội giá hoa quả đầu cuối khi đến tay người tiêu dùng.
Với lý do trên, Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch mở rộng nguồn cung và cung cấp các chương trình giảm giá để giảm bớt gánh nặng chi phí sinh hoạt cho người dân.
Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư 69 tỷ won (52,59 triệu USD) để hỗ trợ các sự kiện giảm giá cho các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi trong mùa cao điểm Tết Nguyên đán vừa qua và quyết định đầu tư tổng cộng 43,4 tỷ won để hạ giá nông sản, sản phẩm chăn nuôi và hỗ trợ giảm giá trong tháng Ba và tháng Tư năm nay.
Ngân sách hỗ trợ giảm giá sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi năm 2024 của Hàn Quốc hiện tại là 108 tỷ won. Với mức độ chênh lệch giá cao như hiện nay, nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng ngân sách hỗ trợ sẽ cạn kiệt hoàn toàn chỉ trong vòng nửa đầu năm.
Song song với biện pháp trợ giá, chính phủ Hàn Quốc cũng có kế hoạch sử dụng và điều tiết thuế hạn ngạch để tăng nguồn cung trái cây nhập khẩu.
Trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng sản lượng trái cây giảm đột ngột trong năm 2023 tái diễn, Bộ Nông nghiệp cũng đã thành lập Tổ chức tư vấn quản lý giống cây ăn quả nhằm có sự phối hợp giữa chính quyền với các địa phương và nhóm các nhà sản xuất.