Giá vàng thế giới chứng kiến đà giảm trong tháng 4/2022

Giá vàng thế giới kết thúc phiên cuối tuần với mức tăng, song lại khép lại tháng Tư với đà giảm do những dự đoán về xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Chú thích ảnh
Vàng tăng giá trong hai phiên giao dịch cuối tuần (28-29/4). Ảnh minh họa: REUTERS/TTXVN

Khởi đầu tuần này (ngày 25/4), giá vàng đi xuống khi đồng USD ghi nhận phiên tăng thứ ba liên tiếp.

Giới chuyên gia phân tích nhận định sự hấp dẫn của các loại tài sản an toàn khác khiến vàng giảm giá trong thời gian gần đây, bởi vàng là loại tài sản không sinh lời. Trong khi đó, đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng cao hơn.

Vàng đảo chiều tăng ngay trong phiên giao dịch sau đó, khi kinh tế Mỹ phát đi một số tín hiệu kém lạc quan, khiến thị trường chứng khoán mất điểm. Cơ quan nghiên cứu Conference Board cho biết chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống 107,3 trong tháng Tư từ mức 107,6 trong tháng Ba, qua đó hỗ trợ giá vàng. Vàng cũng được coi là “kênh trú ẩn an toàn” khi xảy ra các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị.

Thị trường vàng liên tiếp trồi sụt bất nhất ở những phiên giao dịch sau đó, giữa bối cảnh giới phân tích dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất tại cuộc họp tháng Năm và tháng Sáu và rất có thể tăng mạnh hơn vào tháng Bảy, để kiềm chế lạm phát vốn ở mức cao nhất trong bốn thập kỷ qua.

Vàng tăng giá trong hai phiên giao dịch cuối tuần này (28-29/4), khi giới đầu tư phản ứng với báo cáo về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ, cho dù chỉ số đồng USD mạnh lên đã tác động tới đà tăng của vàng.

Bộ Thương mại Mỹ ngày 28/4 thông báo GDP của Mỹ bất ngờ giảm ở mức tính theo năm là 1,4% trong quý I/2022, trái ngược so với dự báo tăng 1% của giới chuyên gia.

Trong khi đó, Bộ Lao động Mỹ thông báo lượng người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần qua (tính đến ngày 23/4) giảm 5.000 người xuống còn 180.000 người, phù hợp với dự báo của các chuyên gia kinh tế.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 29/4, giá vàng tăng hơn 1% trước sự đi xuống của đồng USD. Tuy nhiên, kim loại quý vẫn giảm giá trong tháng 4/2022 do khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay từ Fed.

Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,9% lên 1.9111,14 USD/ounce. Tuy nhiên tính chung cả tháng Tư, giá vàng này giảm khoảng 1,5%, đánh dấu tháng giảm đầu tiên của giá vàng kể từ tháng Một năm nay. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn tại Mỹ cũng tăng 1,1% phiên cuối tuần, lên 1.911,70 USD/ounce.

Chỉ số đồng USD giảm 0,7% phiên này, sau khi chạm mức cao nhất trong 20 năm vào ngày 28/4, qua đó khiến vàng trở nên bớt đắt đỏ hơn đối với những nhà đầu tư đang nắm giữ các đồng tiền khác.

Góp phần gia tăng sự hấp dẫn của giá vàng là số liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ bất ngờ suy giảm trong quý I/2022 trước sự lây lan mạnh mẽ của biến thể Omicron và sự suy giảm của số tiền cứu trợ đại dịch từ Chính phủ.

Hiện tại, thị trường đang chuyển sự chú ý sang cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày (3-4/5) của Fed.

Cũng trong phiên cuối tuần, giá bạc giảm 0,5% còn 23,03 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 1,7% lên 935,65 USD/ounce. Cả hai kim loại này đều ghi nhận đà giảm trong cả tháng qua. Giá palladium tăng 2,4% lên 2.286,08 USD/ounce.

Minh Trang/TTXVN (Tổng hợp)
Giá vàng châu Á tăng trong chiều 29/4
Giá vàng châu Á tăng trong chiều 29/4

Giá vàng châu Á tăng trong chiều 29/4, khi các số liệu kinh tế đáng lo ngại của Mỹ làm tăng sự quan tâm đến kim loại “trú ẩn an toàn này”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN