Tại phiên giao dịch ngày 4/8 giờ New York (rạng sáng 5/8 theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao sau có thời điểm đã tăng lên mức 2.014,20 USD/1 ounce (tăng 0,4% so với giá chốt phiên giao dịch trước).
Sau đó, vào thời điểm chốt phiên giao dịch sáng, giá vàng thế giới giảm xuống còn 1.993,83 USD/ounce.
Đây là mức giá cao lịch sử của mặt hàng kim loại quí này. Như vậy, kể từ đầu năm tới nay, giá vàng thế giới đã tăng giá tới 31%.
Giá vàng đã duy trì đà tăng giá trong mấy tháng qua và lập kỷ lục mới trong bối cảnh hàng loạt nền kinh tế lớn của thế giới gần như đóng băng vì đại dịch COVID-19. Lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội tại nhiều nước đã kéo ngược đà tăng trưởng kinh tế vốn mong manh hồi đầu năm nay.
Mức giá cao kỷ lục của vàng, cùng với đó là xu thế giảm giá của đồng USD, phản ánh tâm lý lo lắng của giới đầu tư và kinh doanh toàn cầu. Trước bối cảnh bất ổn và dự báo ảm đạm của kinh tế thế giới, giới đầu tư đã tìm đến kênh đầu tư an toàn là vàng, vốn được coi là "thiên đường trú ẩn an toàn" của dòng vốn.
Đó là nguyên nhân chính đẩy giá vàng tăng phi mã và vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce. Bên cạnh đó, nguyên nhân trực tiếp, giọt nước làm tràn ly khiến giá vàng lập kỷ lục mới ngày 4/8 đó là việc Quốc hội và Chính phủ Mỹ đạt được tiến triển quan trọng trong các cuộc thương lượng về một gói cứu trợ kinh tế mới vì COVID-19.
Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, trước đó cùng ngày tuyên bố các cuộc đàm phán giữa hai bên đang "đi đúng hướng" và thỏa thuận về một gói cứu trợ kinh tế mới "đang ở rất gần".
Trong phân tích được đưa ra, ngân hàng Commerzbank nhận định: "Giá vàng đang được các nhà đầu tư coi là một cơ hội để mua. Giá vàng tăng không phải là điều bất ngờ khi nhìn số ca mắc mới COVID-19 vẫn tăng cao, trong khi Quốc hội Mỹ vẫn bất đồng về gói hỗ trợ kinh tế mới, cũng như các yếu tố tác động khác".
Theo các quan chức Hội đồng Vàng Thế giới, dòng vốn chảy vào thị trường vàng thế giới đang tiếp tục xu hướng gia tăng, và trong nửa đầu năm nay, các nhà đầu tư đã rót lượng tiền đầu tư kỷ lục lên tới 40 tỷ USD vào vàng.
Từng được coi là nơi trú ẩn an toàn trong đại dịch COVID-19, đồng bạc xanh của nước Mỹ đang đứng trước nguy cơ mất giá so với các đồng tiền khác khiến giới đầu tư lo ngại nền kinh tế nước này sẽ hụt hơi so với chuyển động toàn cầu.
Kể từ đầu tháng 7/2020, đồng USD đã để mất 4,9% so với đồng euro, sau khi có một số thông tin cho rằng nền kinh tế Liên minh châu Âu sẽ vượt trội so với kinh tế Mỹ. Chỉ số đồng USD, thể hiện tương quan giữa đồng tiền của Mỹ so với rổ tiền tệ, đã giảm 3,77% trong tháng Bảy, qua đó ghi dấu mức giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 4/2011, với mức giảm 3,85%.
Vàng đang chuyển động cùng chiều với chứng khoán. Chỉ số S&P 500 đã tăng 4,2% trong tháng 7/2020. Ngoài ra, cổ phiếu của các công ty đa quốc gia cũng được hưởng lợi khi đồng USD suy yếu, khiến chi phí hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trở nên rẻ hơn.
Trong khi đó, giới chuyên gia kinh tế của Bank of America dự báo, với tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 hiện nay và căng thẳng chưa thấy hồi kết của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ-Trung Quốc, nhiều khả năng giá vàng sẽ bị đẩy lên tới mức 3.000 USD/ounce trong vòng 18 tháng tới.