Theo hãng tin Reuters, giá trung bình trên toàn nước Mỹ đối với xăng không chì thông thường đã tăng lên 5,004 USD/gallon so với mức 4,986 USD/gallon ngày trước đó (1 gallon = 3,78 lít).
Giá xăng cao đang là vấn đề đau đầu đối với Tổng thống Joe Biden và các thành viên đảng Dân chủ khi họ phải chật vật duy trì quyền kiểm soát mỏng manh tại Quốc hội trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra vào tháng 11 tới.
Tổng thống Biden đã sử dụng nhiều đòn bẩy để cố gắng hạ giá xăng, trong đó có động thái xả kho dầu dự trữ chiến lược của Mỹ với số lượng kỷ lục, miễn trừ các quy tắc cho ngành sản xuất xăng phục vụ thời điểm mùa hè và dựa vào các nước OPEC để tăng sản lượng.
Tuy nhiên, giá nhiên liệu vẫn tăng trên khắp thế giới do nhu cầu tăng trở lại, do các lệnh trừng phạt Nga và do công suất lọc dầu hạn chế.
Tuy nhiên, nhu cầu đi lại bằng đường bộ ở Mỹ vẫn tương đối mạnh, chỉ thấp hơn một vài điểm phần trăm so với mức trước đại dịch, ngay cả khi giá xăng đã tăng lên.
Dù vậy, các nhà kinh tế dự báo nhu cầu có thể bắt đầu giảm nếu giá xăng duy trì trên 5 USD trong một thời gian dài.
Ông Reid L'Anson, nhà kinh tế cấp cao tại Kpler, cho biết: “Mức 5 USD là khi chúng ta có thể thấy nhu cầu dùng xăng bị tác động rất nặng nề”.
Theo số liệu của Bộ Năng lượng Mỹ, khi điều chỉnh theo lạm phát, giá xăng trung bình của Mỹ vẫn thấp hơn khoảng 8% so với mức cao nhất tháng 6/2008 vào khoảng 5,41/gallon.
Chi tiêu tiêu dùng cho đến nay vẫn có khả năng phục hồi ngay cả khi lạm phát đang ở mức cao nhất trong hơn 4 thập kỷ. Nguyên nhân là nhờ các hộ gia đình được hỗ trợ từ các chương trình cứu trợ đại dịch và thị trường việc làm thắt chặt đã đẩy mức tăng lương mạnh mẽ, đặc biệt là đối với những người lao động có thu nhập thấp.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, nguồn cung xăng là 9,2 triệu thùng mỗi ngày vào tuần trước, gần như phù hợp với mức trung bình theo mùa trong 5 năm.
Giá xăng cao vào thời điểm các công ty dầu khí lớn đạt lợi nhuận khổng lồ. Shell đã báo cáo doanh thu quý 1 cao kỷ lục, còn Chevron và BP đã công bố lợi nhuận cao nhất trong 10 năm.
Các công ty lớn khác, như Exxon Mobil và TotalEnergies, cũng như các nhà khai thác đá phiến độc lập Mỹ, đã báo cáo những con số lợi nhuận lớn.
Nhiều công ty cho biết họ sẽ tránh đầu tư quá nhiều để tăng sản lượng dầu do các nhà đầu tư muốn giữ giới hạn chi tiêu, thay vì phản ứng với mức giá 100 USD/thùng đã kéo dài trong nhiều tháng.
Các nhà máy lọc dầu ở Mỹ đã phải chật vật để đáp ứng nhu cầu dầu tăng khi nhiều quốc gia châu Âu đang tìm cách từ bỏ dầu Nga.
Hiện tại, các nhà máy lọc dầu Mỹ đang hoạt động khoảng 94% công suất, nhưng công suất lọc dầu tổng thể của Mỹ đã giảm, khi ít nhất 5 nhà máy chế biến dầu đóng cửa trong thời gian đại dịch.
Các nhà phân tích cho biết điều đó đã khiến Mỹ thiếu công suất lọc dầu lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ.
Giá xăng tăng trong thời gian qua đã khiến lạm phát ở Mỹ tăng mạnh. Cụ thể, lạm phát Mỹ đạt 8,6% trong tháng 5 vừa qua, cao nhất kể từ năm 1981 đến nay. Theo giới chuyên gia, nhiều khả năng lạm phát tại Mỹ sẽ lên tới 9% vào tháng 6.
Lạm phát cao ảnh hưởng không nhỏ tới tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh Chính phủ Mỹ đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19. Áp lực giá cả có thể thấy rõ rệt trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động đang thiếu nhân công và tỷ lệ người thất nghiệp tại Mỹ thấp nhất trong vòng nửa thế kỷ qua. Cũng chính vì giá thuê lao động tăng cao mà các doanh nghiệp lại buộc phải tăng giá hàng hóa để bù chi phí.
Chỉ số lạm phát hiện nay của Mỹ đã tăng hơn gấp 4 lần so với mức chuẩn 2% mà Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đặt ra để đảm bảo cho nền kinh tế phát triển lành mạnh, dù ngân hàng này đã nỗ lực giảm lạm phát bằng cách tăng lãi suất 2 lần vào tháng 3 và tháng 5 vừa qua. Với tình hình hiện nay, rất có thể FED sẽ còn điều chỉnh tăng lãi suất thêm nhiều lần nữa trong năm nay để giải quyết bài toán giá cả tăng phi mã.