Theo nguồn tin trên, Tổng thống Trump đã chuyển cho Chủ tịch Kim Jong-un bức thư ngỏ viết bằng cả tiếng Triều Tiên lẫn tiếng Anh thể hiện rõ quan điểm của Washington tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ 2 diễn ra ngày 28/2 vừa qua ở Khách sạn Metropole Hà Nội.
Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên nói rằng đây là lần đầu tiên ông Trump trực tiếp bày tỏ thẳng thắn quan điểm của mình về vấn đề phi hạt nhân hóa với nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Hai nhà lãnh đạo và phái đoàn hai nước đã hủy bữa tiệc trưa 28/2. Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 cũng kết thúc sớm hơn dự kiến và không có tuyên bố chung. Cả Washington và Bình Nhưỡng đều không giải thích rõ lý do, song nội dung bức thư có lẽ đã phần nào làm sáng tỏ điều này.
Thông tin Tổng thống Trump trao cho Chủ tịch Kim Jong-un lá thư ngỏ được Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng John Bolton đều cập lần đầu tiên trong cuộc phỏng vấn diễn ra 2 ngày sau hội nghị. Tuy nhiên, ông John Bolton không tiết lộ thông tin ông Trump đã đề nghị Bình Nhưỡng chuyển vũ khí và nhiên liệu hạt nhân tới Mỹ.
Đề nghị trong ‘lá thư hạt nhân’ này dường như thể hiện quan điểm cứng rắn của ông John Bolton và một “mô hình Libya” cho vấn đề phi hạt nhân hóa, điều Triều Tiên từng nhiều lần phản đối. Ông Bolton đề cập ý tưởng Triều Tiên giao nộp vũ khí hạt nhân lần đầu vào năm 2004.
Một nguồn am hiểu các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Triều Tiên nói rằng bức thư trên nhằm cung cấp cho Triều Tiên một sự định nghĩa rõ ràng và súc tích về quan điểm của Nhà Trắng đối với “phi hạt nhân hóa, hoàn toàn có thể xác minh và không thể đảo ngược”. Nhà Trắng từ chối bình luận về thông tin này.
Sau hội nghị ở Hà Nội, một quan chức Triều Tiên đã cáo buộc Cố vấn An ninh Quốc gia Bolton và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra những yêu cầu “kiểu găngxtơ”, đồng thời tuyên bố Bình Nhưỡng đang cân nhắc đình chỉ các cuộc đàm phán với Washington và suy nghĩ lại việc Triều Tiên đã ngừng các vụ thử hạt nhân, tên lửa.
Trong bản tiếng Anh mà Reuters có được, lá thư ngỏ kêu gọi “Triều Tiên dỡ bỏ hoàn toàn cơ sở hạ tầng hạt nhân, chương trình vũ khí sinh hóa; chấm dứt các năng lực lưỡng dụng; phá bỏ các tên lửa đạn đạo, các hệ thống phóng và cơ sở liên quan”.
Ngoài yêu cầu Bình Nhưỡng giao nộp vũ khí và nhiên liệu hạt nhân, lá thư còn có 4 đề xuất quan trọng khác. Bao gồm: Đề nghị Triều Tiên đưa ra một tuyên bố toàn diện về chương trình hạt nhân của nước này và các thanh sát viên quốc tế cũng như của Mỹ được toàn quyền tiếp cận; Chấm dứt mọi hoạt động liên quan và việc xây dựng các cơ sở mới; xóa bỏ hoàn toàn cơ sở hạ tầng hạt nhân; chuyển tất cả đội ngũ nhà khoa học và kỹ thuật viên tham gia chương trình hạt nhân sang làm các hoạt động mang tính thương mại.
Dù Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 ở Hà Nội kết thúc không có tuyên bố chung nào được đưa ra, song cuộc gặp đã giúp hai bên hiểu rõ hơn về quan điểm của nhau và đặt cơ sở cho các cuộc thảo luận tiếp theo trong tương lai.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 1/3 đã đưa tin về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội, song không đề cập việc hai bên không đạt tuyên bố chung, mà cho rằng Mỹ và Triều Tiên sẽ duy trì đối thoại tích cực, cũng như cam kết tổ chức một hội nghị thượng đỉnh mới.
KCNA đăng tải bài viết có đoạn: "Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump đã có cuộc hội đàm kín và mở rộng tại khách sạn Metropol (Hà Nội) ngày 28/2, hai nhà lãnh đạo cùng có nhận thức về ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi căn bản mối quan hệ thù địch và mất lòng tin kéo dài hàng thập kỷ giữa hai nước”.
Tại hội nghị, hai bên “đánh giá cao những tiến triển đáng kể đạt được trong lộ trình lịch sử để thực hiện Tuyên bố chung Singapore. Trên nền tảng đó, hai bên cũng đã trao đổi ý kiến một cách thẳng thắn và xây dựng những vấn đề thực tế để mở ra kỷ nguyên mới cải thiện quan hệ Mỹ - Triều”.
Bài báo cho biết thêm hai nhà lãnh đạo còn thảo luận những tiến triển trong các kế hoạch đã triển khai, lắng nghe lập trường của nhau về “những vấn đề nhất định phải giải quyết” trong thời điểm hiện tại để hiện thực mục tiêu hai nước đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất tại Singapore vào ngày 12/6/2018.
Bên cạnh đó, lãnh đạo hai nước nhận định trong quá trình mở ra bước ngoặt mới trong quan hệ Mỹ-Triều có thể gặp khó khăn và các vấn đề vướng mắc, song bày tỏ tin tưởng nếu cùng nhau bắt tay, kiên nhẫn, phát huy trí tuệ để vượt qua thì quan hệ Mỹ - Triều sẽ phát triển với bước ngoặt mới.
Cuối bài viết, KCNA nhấn mạnh tại hội nghị lần này, Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump còn “nhất trí về tầm quan trọng của sự tôn trọng và xây dựng niềm tin lẫn nhau, coi đây là cơ hội quan trọng để có thể đưa quan hệ hai nước sang một bước tiến mới. Hai bên sẽ tiếp tục các cuộc đối thoại tích cực để mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ - Triều và phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên”.
Cùng ngày, báo Rodong Simun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, cũng khẳng định Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ đàm phán. Tuy không ra tuyên bố chung Mỹ - Triều, nhưng tại cuộc gặp ở Hà Nội, Chủ tịch Kim Jong-un đã nêu đề xuất dừng vô thời hạn các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa, đổi lại Tổng thống Trump cam kết không gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Đây được đánh giá là kết quả tích cực của hội nghị, giúp duy trì không khí hòa hoãn trên Bán đảo Triều Tiên cũng như trong khu vực.