Đây là khẳng định của các chuyên gia về môi trường và biến đổi khí hậu quốc tế đưa ra ngày 9/5.
Phát biểu với báo giới bên lề Hội nghị Thế giới về đường hầm (World Tunnel Congress) diễn ra ở thành phố Naples, Italy, từ ngày 3 - 9/5, kỹ sư xây dựng dân dụng Han Admiraal - người có hơn 20 năm kinh nghiệm về không gian dưới lòng đất, cho rằng các nỗ lực nhằm đạt được 7 trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (LHQ), trong đó có chống ô nhiễm không khí và xóa đói nghèo trên toàn cầu, có thể được thúc đẩy mạnh mẽ bằng cách tận dụng không gian dưới lòng đất.
Kỹ sư Admiraal cảnh báo hằng năm, thế giới đang mất rất nhiều diện tích đất canh tác với tốc độ đáng báo động do tình trạng suy thoái đất, tốc độ đô thị hóa nhanh và khai khác thiếu khoa học. Trong khi đó, không gian dưới lòng đất có thể dễ dàng được sử dụng để trồng trọt.
Ông Admiraal nhấn mạnh tiến bộ khoa học trong các lĩnh vực như mô hình aquaponics - hệ thống tích hợp trồng cây và nuôi trồng thủy sản, có thể giúp giảm sức ép đối với chuỗi cung ứng lương thực và giảm mạnh chi phí vận chuyển nếu những mô hình nuôi trồng kiểu mới này được vận hành trong lòng đất.
Hiện những giống cây con như rau thì là, rau mùi, rau diếp hoặc củ cải - những loại cây trồng thường phải chờ đến khi trưởng thành mới có thể thu hoạch, đã được trồng dưới lòng đất. Chuyên gia Admiraal cho biết những loại cây trồng tiềm năng khác như đậu tương hoặc đậu lupin có thể được sử dụng làm nguyên liệu tạo ra các sản phẩm giàu protein để thay thế thịt động vật, qua đó giảm sự phụ thuộc vào ngành chế biến thịt vốn là một trong những "thủ phạm" chính gây biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, các nhà quản lý cũng có thể tận dụng và phát huy tối đa lợi ích của những bãi đậu ô tô trong lòng đất khi khí thải từ ô tô bị coi là đang "đầu độc" các thành phố.
Theo nhà hoạch định đô thị Antonia Conaro, tại các thành phố lớn trên thế giới như Boston và Seattle của Mỹ), Oslo (Na Uy), Rio de Janeiro (Brazil) và Sydney (Australia), hệ thống đường cao tốc nhiều làn đang dần được dịch chuyển xuống lòng đất. Ngoài ra, những không gian lâu nay bị bỏ quên dưới mặt đất cũng được biến thành những bãi đỗ xe.
Bà Conaro nhấn mạnh những thành phố có tốc độ tăng dân số nhanh và đang chật vật đối phó với tác động đe dọa môi trường sống tự nhiên đang tìm kiếm những giải pháp mới để mở rộng diện tích.
Hiện nhiều thành phố lớn như Singapore và Hong Kong đã sửa đổi luật để cho phép tất cả những cơ sở hạ tầng, từ các trường đại học tới các thư viện, trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim và các khu thể thao... di chuyển xuống dưới lòng đất.
Theo các chuyên gia, việc trồng cây xanh ở những khu vực mới được khai thác dưới lòng đất sẽ giúp làm chậm lại tốc độ biến đổi khí hậu cũng như ngăn chặn xói lở đất. Di chuyển các cơ sở hạ tầng xuống lòng đất cũng có thể giúp bảo vệ người dân khỏi các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể xảy ra.