Báo cáo nhấn mạnh việc thực hiện mục tiêu năm 2030 là yếu tố then chốt để có thể đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 như đã cam kết. Đài quan sát Trung hòa khí hậu châu Âu (ECNO) - cơ quan theo dõi lộ trình hướng tới trung hòa carbon của EU, cho biết có “những tín hiệu đầy hứa hẹn” trong việc giảm carbon trong sản xuất điện và công nghiệp, cũng như triển khai công nghệ sạch. Tuy nhiên, báo cáo cho rằng "tiến trình nhìn chung vẫn còn quá chậm".
Báo cáo cảnh báo việc thiếu nguồn tài chính cho khí hậu đang làm chậm quá trình chuyển đổi, đồng thời nêu rõ: “nếu không có sự thay đổi về tài chính và thực hiện các khoản đầu tư cần thiết, quá trình chuyển đổi có thể thất bại”. Thống kê cho thấy năm 2022 - thời điểm Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, đẩy EU rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng, đầu tư dành cho năng lượng, xây dựng và giao thông của khối này bị thiếu hụt khoảng 406 tỷ euro (435 tỷ USD) so với mức cần thiết để đáp ứng mục tiêu khí hậu năm 2030 là giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính ít nhất 55% so với các mức của năm 1990.
Báo cáo cho rằng để đạt được mục tiêu khí hậu năm 2030, tỷ lệ điện tái tạo phải tăng nhanh hơn 1,4 lần, trong khi việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của khối phải tăng 1,8 lần. Do đó, khoản đầu tư hàng năm cần tăng gấp đôi lên 800 tỷ euro.
Đồng tác giả báo cáo Clara Calipel, thuộc Viện Kinh tế khí hậu, coi việc đưa ra kế hoạch đầu tư dài hạn nhằm giải quyết việc thiếu hụt là thách thức đối với Ủy ban châu Âu. Theo bà, cần loại bỏ dần các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và chuyển hướng sang tài trợ cho quá trình chuyển đổi, trong đó giúp các hộ gia đình cải tạo nhà cửa, lắp đặt máy bơm nhiệt và chuyển sang sử dụng ô tô điện. Bà Calipel nhấn mạnh đẩy nhanh tốc độ hành động vì khí hậu đồng nghĩa với đẩy nhanh triển khai năng lượng tái tạo và loại bỏ dần than, dầu và khí đốt.