Trong hai ngày 9-10/3, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong đó nhấn mạnh cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine cần giải quyết qua các kênh chính trị và ngoại giao. Qua điện đàm, ông Tập Cận Bình nhận định tình hình tại Ukraine hết sức phức tạp, đồng thời kêu gọi các bên cần giữ bình tĩnh, tránh các động thái có thể gây gia tăng căng thẳng.
Những thông điệp hòa bình được người dân Ukraine rải trên quảng trường Độc lập ở Kiev ngày 9/3. |
Về quan điểm của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình cho biết nước này có một “thái độ mở” đối với bất cứ phương án hoặc đề nghị nào có thể cải thiện được tình hình tại Ukraine và sẵn sàng hợp tác với mọi bên liên quan, bao gồm cả Mỹ. Tuần trước, Bắc Kinh cũng cho rằng việc các nước phương Tây dọa trừng phạt Nga không phải biện pháp tốt nhất để giải quyết khủng hoảng.
Trước đó, Thủ tướng Anh David Cameron ngày 9/3 đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó hai nhà lãnh đạo cùng bày tỏ mong muốn tìm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Ông Cameron nêu rõ Anh cùng các đối tác châu Âu và Mỹ muốn phối hợp với Nga để tìm giải pháp ngoại giao cho vấn đề Ukraine. Thủ tướng Cameron cũng hối thúc nhà lãnh đạo nước Nga "giảm căng thẳng" tình hình tại Ukraine và ủng hộ việc thành lập một "nhóm tiếp xúc" có thể giúp tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp giữa Moskva và Kiev. Về phần mình, Tổng thống Putin nhất trí rằng một Ukraine ổn định nằm trong lợi ích chung của cả Nga và châu Âu, đồng thời cho biết ông sẽ thảo luận về các đề xuất liên quan tới nhóm tiếp xúc với Ngoại trưởng Sergei Lavrov.
Dự kiến trong ngày 12/3 tới, Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseniy Yatsenyuk sẽ đến Washington hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm cùng tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho hành động “can thiệp quân sự của Nga tại Crimea (Crưm)” như Mỹ vẫn mô tả. Nhà Trắng nhấn mạnh giải pháp này cần phải tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Ngày 10/3, hãng RIA Novosti dẫn lời Thủ tướng nước Cộng hòa tự trị Crimea Sergei Aksyonov cho biết công cuộc chuẩn bị cho việc sáp nhập bán đảo phía nam Ukraine này với Liên bang Nga đang được tiến hành, đồng thời tuyên bố cho phép người dân được quyền chọn lựa mang hộ chiếu Nga hoặc Ukraine, nếu việc sáp nhập được phê chuẩn trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ngày 16/3. Ông Aksyonov cũng cho biết chính phủ Crimea hoan nghênh người dân sử dụng cả hai thứ tiếng Nga và Tatar Crimea. |
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Kiev Geoffrey Pyatt ngày 10/3 cho biết Washington sẽ ủng hộ việc trao quyền tự trị lớn hơn cho Crimea miễn là điều này không xảy ra "dưới họng súng". Phát biểu với các phóng viên tại Kiev, ông Pyatt nói: "Mỹ cho rằng Crimea đang và sẽ tiếp tục là một phần của Ukraine", đồng thời nhấn mạnh Washington sẽ không công nhận cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập bán đảo này vào Nga diễn ra ngày 16/3 tới. Tuy nhiên, ông Pyatt thừa nhận rằng Nga có "những quyền lợi hợp pháp" tại Crimea, nơi đặt căn cứ của Hạm đội Biển Đen.
Trong một diễn biến khác cũng liên quan đến điểm nóng Crimea, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox News ngày 9/3, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nhận định việc Crimea sáp nhập với Liên bang Nga “đã được an bài” và Moskva sẽ “nỗ lực hết mình để thực hiện điều đó”.
Về phần tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovich, hãng tin Itar-Tass dẫn nguồn tin thân cận cho biết ông Yanukovich sẽ tổ chức một cuộc họp vào chiều nay, 11/3 tại thành phố Rostov-on-Don của Nga. Địa điểm và thời gian cụ thể sẽ được thông báo sau. Sau ngày ông Yanukovich bị phế truất, Quốc hội Ukraine đã lên nắm quyền điều hành đất nước và thiết lập bộ máy chính quyền mới, tuy nhiên bộ máy này không nhận được sự ủng hộ từ phía Nga.
Hoàng Trang