Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Bách khoa Liên bang Lausane (EPFL) của Thụy Sĩ cùng các đồng nghiệp người Đức đã tìm ra giải pháp để lưu trữ an toàn hydro. Khám phá này được coi là bước tiến lớn trong khoa học, bởi hydro vẫn được coi là có thể thay thế nhiệu liệu hóa thạch song lại rất dễ cháy và khó bảo quản.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Nhóm nghiên cứu do giáo sư Gabor Laurenczy đứng đầu thuộc EPFL và Matthias Beller và Ralf Ludwig thuộc Đại học Rostock của Đức bước đầu đã tìm ra cách biến đổi hydro thành acid fomic nhờ một chất xúc tác và khí CO2 có trong không khí. Phản ứng này cho ra một chất lỏng khó cháy ở nhiệt độ thông thường. Tiếp đó, thông qua chất xúc tác mới, acid fomic được chuyển lại trạng thái khí CO2 và hydro. Tại đây, hydro có thể được chuyển thành năng lượng điện cung cấp cho động cơ ô tô.
Trước đây, việc chuyển hydro thành acid fomic phải cần tới chất xúc tác Ruthénium rất đắt tiền. Nhưng nay, các nhà khoa học Thụy Sĩ đã thành công trong việc thực hiện phản ứng này với nguyên liệu sắt, kim loại rất dễ kiếm và rẻ tiền.
Đức Hùng (P/v TTXVN tại Thụy Sĩ)