Việc các đảng “Tự do” và “Liên minh dân chủ vì cải cách Ukraine” (UDAR) rút khỏi liên minh đa số trong quốc hội đã khiến quốc hội nước này buộc phải giải tán hồi cuối tuần trước và mở ra điều kiện để tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội bất thường dự kiến vào cuối tháng 10 tới. Giới phân tích nhận định đây là cuộc chơi chính trị của tân Tổng thống Peter Poroshenko nhằm củng cố ảnh hưởng chính trị sau khi lên nắm quyền, và vì vậy chính trường Ukraine chưa thể sớm yên ắng.
Lực lượng ly khai kiểm tra xe qua lại tại một chốt kiểm soát ở Lisichansk, miền đông Ukraine, ngày 28/7. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hành động của tổng thống và các đảng phái có tư tưởng dân tộc cho thấy cuộc đấu đá quyền lực đang được ưu tiên hơn việc tìm kiếm hòa bình cho các khu vực xung đột ở phía đông nam nước cộng hòa Đông Âu này. Bằng việc giải tán quốc hội hiện nay, Tổng thống Poroshenko muốn làm thay đổi cơ bản cân bằng lực lượng trong quốc hội mà trên thực tế kể từ tháng 2/2014 đã trở thành trung tâm của đời sống chính trị Ukraine và quyết định toàn bộ đường hướng đối nội và đối ngoại của nước này. Có thể nói, cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào tháng 5 vừa qua đã không làm thay đổi bất cứ điều gì trên thực tế. Đại diện của các lực lượng dân tộc cực đoan tiếp tục “trói tay” Tổng thống Poroshenko bằng chương trình nghị sự của riêng mình.
Dường như cả Tổng thống Poroshenko lẫn thủ lĩnh các lực lượng chính trị đều không nhìn ra thực trạng này hoặc có nhìn thấy song vẫn lao vào cuộc chiến giành giật quyền lực ngay cả khi không có Donets và Lugansk trong thành phần một Ukraine thống nhất. |
Trong kế hoạch hiện tại, Tổng thống Poroshenko mong muốn hạn chế ảnh hưởng của các thủ lĩnh liên minh đa số hiện nay trong quốc hội, gồm các đảng “Tự do”, UDAR và “Tổ quốc”, gạt bỏ vai trò của Đảng các khu vực thân cựu Tổng thống Victor Yanukovych và Đảng Cộng sản ra khỏi đời sống chính trị, cũng như đưa ra một loạt dự án chính trị mà trước đây chưa từng được hé lộ. Ông Poroshenko có thể sẽ khởi động lại dự án thành lập chính đảng “Đoàn kết” nhằm quy tụ dưới tay mình các lực lượng chính trị khác nhau và các đại biểu quốc hội tự do không có đủ năng lực để có ghế trong quốc hội.
Bên cạnh đó, cũng có luồng ý kiến cho rằng việc giải tán quốc hội hiện nay là bước đi mạo hiểm của ông Poroshenko bởi đã tạo ra một mặt trận đấu tranh chính trị trong nội bộ nước này và có thể tự làm suy yếu ảnh hưởng của bản thân. Thứ nhất, lãnh đạo của các đảng thuộc liên minh đa số trong quốc hội hiện nay đều nuôi tham vọng riêng cạnh tranh trực tiếp với ông Poroshenko. Thứ hai, các đảng này nhận được sự ủng hộ tương đối cao của cử tri các tỉnh phía tây và khu vực trung tâm, kiểm soát các thành phố lớn và giới doanh nghiệp. Thứ ba, ông Poroshenko không có bất cứ sự hậu thuẫn nào từ giới doanh nhân, mà theo truyền thống có khả năng đưa được đại biểu vào quốc hội để tác động chính sách. Thứ tư, trong bối cảnh đấu đá chính trị hiện nay đang nổi lên một số thế lực vừa và nhỏ, tuy chưa đủ khả năng làm thay đổi thực trạng song làm phân tán lực lượng.
Việc giải tán quốc hội cũng khiến người đứng đầu chính phủ Arseni Yatsenyuk phải từ chức và về nguyên tắc chính phủ hiện nay chỉ mang tính kỹ thuật, thực hiện nốt sứ mệnh cho đến khi một chính phủ mới được bầu ra. Điều đáng lưu ý là chiến dịch vận động tranh cử quốc hội ở Ukraine diễn ra trong bối cảnh nước này đang lâm vào nội chiến. Các dự báo gần đây của các tổ chức tài chính quốc tế đã đưa ra bức tranh rất bi quan về nền kinh tế Ukraine, khi GDP sụt giảm nghiêm trọng và ngân sách quốc gia chỉ còn lại những đồng tiền cuối cùng. Dường như cả Tổng thống Poroshenko lẫn thủ lĩnh các lực lượng chính trị đều không nhìn ra thực trạng này hoặc có nhìn thấy song vẫn lao vào cuộc chiến giành giật quyền lực ngay cả khi không có Donets và Lugansk trong thành phần một Ukraine thống nhất.
Cao Cường (Theo "Báo Độc lập", Nga)