Thầy giáo Disale đã được công bố là người chiến thắng Giải thưởng giáo viên toàn cầu 2020 tại một buổi lễ trực tuyến được phát sóng từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở thủ đô London (Anh).
Thầy Disale là người thứ sáu giành được giải thưởng danh giá được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) bảo trợ. Phát biểu cảm nghĩ sau khi giải thưởng được công bố, thầy Disale nhấn mạnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã cho thấy tầm quan trọng của giáo dục đối với cộng đồng.
Anh chia sẻ: "Trong thời điểm khó khăn này, những người thầy, người cô đang nỗ lực hết sức để đảm bảo mọi học sinh được tiếp cận với quyền cơ bản là được hưởng một nền giáo dục tốt". Theo thầy Disale, tất cả giáo viên là "những người tạo ra sự thay đổi thực sự, những người đang thay đổi cuộc sống của những học sinh của họ". Trên tinh thần đó, thầy Disale đã quyết định chia sẻ một nửa số tiền thưởng trị giá 1 triệu USD cho 9 đồng nghiệp còn lại nằm trong danh sách đề cử cuối cùng. Điều này đồng nghĩa mỗi ứng cử viên này sẽ được chia sẻ 55.000 USD.
Thầy Ranjitsinh Disale là giáo viên tiểu học. Năm 2009, anh nhận nhiệm vụ tại trường tiểu học Zilla Parishad trong một ngôi làng nhỏ gần Solapur, thuộc bang Maharashtra, miền Tây Ấn Độ. Trong những năm giảng dạy tại ngôi trường này, thầy Disale đã khiến tỷ lệ học sinh đi học trong các cộng đồng bộ lạc từ 2% lên 100%. Anh đã nhận được nhiều danh hiệu, giải thưởng như Nhà nghiên cứu đổi mới của năm, Nhà sáng tạo của năm. Trợ lý Tổng Giám đốc phụ trách giáo dục thuộc UNESCO Stefania Giannini, đánh giá những giáo viên như thầy Disale sẽ xây dựng "xã hội hòa bình và công bằng hơn", qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh thầy Disale, 9 ứng cử viên còn lại được lọt vào top 10 giáo viên toàn cầu đến từ những quốc gia khác nhau như Italy, Brazil, Vương quốc Anh, Mỹ, Nam Phi, Nigeria, Ấn Độ, Malaysia và Hàn Quốc. Trong đó, lần đầu tiên Việt Nam có giáo viên được lọt vào vòng cuối này đó là cô Hà Ánh Phượng, 29 tuổi.
Cô Hà Ánh Phượng là giáo viên tiếng Anh tại trường trung học phổ thông Hương Cần, tỉnh Phú Thọ. Cô Phượng, người dân tộc Mường, là cựu sinh viên trường Đại học Hà Nội. Cô cũng là giáo viên trẻ tuổi nhất được ban tổ chức Giải thưởng giáo viên toàn cầu của quỹ Varkey Foudation lựa chọn. Trước đó, tháng 3 năm nay, cô là một trong 50 giáo viên góp mặt trong danh sách giáo viên có đóng góp đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực giáo dục.
Varkey Foundation là quỹ từ thiện toàn cầu, được doanh nhân Ấn Độ Sunny Varkey thành lập năm 2010. Ông là người sáng lập GEMS Education - đơn vị điều hành lớn nhất thế giới về các trường từ mẫu giáo đến lớp 12. Quỹ hướng tới mục tiêu xây dựng địa vị của giáo viên, tôn vinh nghề nghiệp, hướng đến một nền giáo dục chất lượng cho mọi trẻ em.
Giải thưởng giáo viên toàn cầu được Varkey Foundation thành lập năm 2014. Mỗi năm, ban tổ chức nhận được hàng chục nghìn hồ sơ đến từ nhiều quốc gia. Từ top 10, ban tổ chức sẽ lựa chọn một giáo viên có đóng góp đặc biệt xuất sắc để trao giải thưởng trị giá 1 triệu USD.
Năm ngoái, giải thưởng này thuộc về một thầy giáo nghèo ở Kenya, nhờ những đóng góp vật chất và tinh thần giúp học trò nghèo đi thi đoạt giải quốc tế. Việt Nam có cô giáo Trần Thị Thúy, Trường Trung học Phổ thông Đức Hợp (Hưng Yên) vào top 50.