Nỗ lực xin nộp tiền bão lãnh để được tại ngoại của Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn trong phiên tòa tại New York ngày 16/5 đã bất thành và vị quan chức này tiếp tục phải ngồi nhà giam cho tới phiên xét xử lần tới vào 20/5.
Ông Strauss-Kahn ngồi trước tòa hôm 16/5.Ảnh AFP-TTXVN |
Thẩm phán Melissa Jackson ở New York đã từ chối cho Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn nộp tiền bảo lãnh bất chấp việc nhóm luật sư biện hộ cho ông này đề nghị mức bảo lãnh 1 triệu USD tiền mặt và giao nộp tất cả tài liệu đi lại của ông Kahn.
Thẩm phán Melissa Jackson giải thích rằng Strauss-Kahn bị bắt khi cố gắng rời nước Mỹ trên một chiếc máy bay ở phi trường John Kennedy New York. Do Pháp không có hiệp ước dẫn độ tội phạm với Mỹ, vì vậy nếu Strauss-Kahn về được quê hương, sẽ không có cơ chế pháp lý nào đảm bảo rằng ông sẽ quay trở lại để ra hầu tòa.
Theo lời đại diện cảnh sát, ông Strauss-Kahn có thể phải chịu mức án từ 15-20 năm tù giam nếu bị kết tội, còn các tài liệu của tòa án được công bố ngày 16/5 cho thấy bảy tội danh chống lại ông Kahn có mức phạt tổng cộng 74 năm và ba tháng tù giam.
Trong khi đó, các luật sư biện hộ cho ông Kahn cho biết thân chủ họ đã phủ nhận những cáo buộc đối với ông. Luật sư Benjamin Brafman nói trước tòa rằng thân chủ ông không phải chạy chốn khỏi khách sạn sau hành vi được cho là tấn công tình dục mà vội đi đến một cuộc hẹn ăn trưa với một người mà tới đây sẽ đứng ra làm chứng. Brafman cũng nói rằng chiếc vé trở về Pháp của ông Kahn đã được đặt từ trước khi xảy ra sự kiện ngày 14/5, chứ không phải là đặt khẩn cấp để chạy trốn như cáo buộc. Ông Brafman khẳng định thân chủ mình đang đối mặt với một "vụ án có thể bào chữa được" và "rất có khả năng ông Kahn rốt cuộc sẽ được giải tội".
Dự kiến ông Kahn sẽ tiếp tục ra hầu tòa vào ngày 20/5. Từ nay cho tới hôm đó, tổng giám đốc IMF được cho là bị giam giữ tại Rikers Island, một tổ hợp nhà tù chính ở New York.
L. H