Giảm nhập khẩu dầu thô nhưng châu Âu chưa thể từ bỏ LNG của Nga

Khi châu Âu sắp tới ngày thực hiện ngừng nhập khẩu dầu Nga ngày 5/12, châu lục này vẫn thấy khó có thể từ bỏ tất cả năng lượng của Nga.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Shell/TTXVN

Theo trang oilprice.com ngày 21/11, phụ thuộc vào khí đốt Nga đang trở thành là một vấn đề nghiêm trọng hơn so với dự đoán ban đầu, vì châu Âu ngần ngại đưa ra các biện pháp trừng phạt sản phẩm khí đốt tự nhiên do lo ngại thiếu cung và giá cả tăng cao.

Trong khi châu Âu giảm đáng kể nhập khẩu than và dầu Nga từ khi xung đột bùng phát ở Ukraine, khu vực này vẫn tiếp tục phụ thuộc nhiều vào LNG của Nga.

Theo Rystad Energy, xuất khẩu khí hóa lỏng LNG của Nga đã tăng khoảng 20% ​​trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 10 so với cùng kỳ năm 2021. Các lô LNG của Nga trong năm nay tính đến tháng 9 đạt tổng cộng 1,2 triệu tấn, tương đương giá trị từ 1 tỷ USD đến 2 tỷ USD.

Châu Âu đang cố gắng dự trữ năng lượng kịp thời cho mùa đông khi nhu cầu tăng cao. Trên thực tế, các mức dự trữ của EU đã đạt khoảng 95% công suất. Nhiều tàu chở LNG bị mắc kẹt tại các cảng châu Âu khi chờ tìm chỗ để dỡ hàng LNG.

Nhưng khi Nga cắt giảm vận chuyển khí đốt qua đường ống Nord Stream 1, nhiều quốc gia đã phải chuyển sang LNG của Nga do công ty tư nhân Novatek cung cấp. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi Nga là nhà sản xuất LNG lớn thứ tư thế giới, có nghĩa là nhiều quốc gia đã phụ thuộc Nga để có năng lượng những năm gần đây.

Nga cung cấp khoảng 15% LNG của châu Âu, một lượng không dễ thay thế bằng các nguồn cung cấp khác trong một khoảng thời gian ngắn. Các nhà phân tích tại Rystad Energy cho rằng con số này khó có thể giảm trong năm tới.

Bà Anne-Sophie Corbeau, một học giả nghiên cứu toàn cầu tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu (CGEP) giải thích rằng do EU cần LNG nên họ bỏ qua trừng phạt LNG Nga.

Nhưng khi Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt năng lượng Nga và EU cũng làm theo, thì tiếp tục phụ thuộc vào khí đốt Nga có thể gây rắc rối vì dễ bị tổn thương nếu Nga cắt giảm nguồn cung.

Đường ống dẫn dầu nối châu Âu và Nga chỉ còn khoảng 20% ​​công suất so với trước xung đột ở Ukraine, có nghĩa là khi khu vực này cần bổ sung nguồn dự trữ vào năm 2023 thì sẽ khó thực hiện hơn. Do đó, một số nước châu Âu đang tìm đến các quốc gia giàu khí đốt khác để bổ sung.

Theo kế hoạch “REPowerEU” mà EU công bố vào tháng 3, châu lục này tìm cách đa dạng hóa các nhà cung cấp khí đốt và mở rộng quy mô chuyển đổi năng lượng tái tạo.

Chú thích ảnh
LNG xuất khẩu được vận chuyển bằng các tàu chuyên dụng. Ảnh: Alamy

EU đã xác định Na Uy là nhà cung cấp tiềm năng cho châu Âu. Là nhà sản xuất khí đốt lớn thứ hai trong khu vực sau Nga, Na Uy đã liên tục tăng sản lượng để hỗ trợ EU thoát phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch Nga vào năm 2027.

Một số quốc gia đã sử dụng các nguồn khí đốt khác, ít phụ thuộc vào Nga. Ví dụ, Anh không phụ thuộc vào khí đốt của Nga khi công ty năng lượng Centrica đã ký một thỏa thuận với Equinor của Na Uy để cung cấp thêm khí đốt trong ba mùa đông tới. Síp cũng có các nhà cung cấp khí đốt khác, không phụ thuộc vào Nga. Tuy nhiên, các nước vẫn phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga gồm Pháp, Đức, Hungary. Vì vậy, mặc dù một số quốc gia dễ dàng ngừng phụ thuộc năng lượng Nga, thì những quốc gia khác lại lo lắng về an ninh năng lượng nếu họ cắt đứt mọi quan hệ trong lĩnh vực này.

Mỹ và Trung Đông đã đóng vai trò quan trọng trong bù đắp nguồn cung bằng cách cung cấp lượng LNG lớn hơn cho châu Âu. Nhưng vẫn còn những lo ngại về tình trạng thiếu năng lượng, khiến giá khí đốt tăng cao trong suốt năm 2022. Đức đang tìm hiểu tiềm năng xây dựng 5 trạm LNG mới để đảm bảo rằng các tàu chở hàng đến không bị từ chối do thiếu chỗ để dỡ hàng hàng.

Khi một số quốc gia châu Âu chạy đua để củng cố an ninh năng lượng bằng cách tìm các nhà cung cấp khí đốt mới và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, không phải quốc gia nào cũng đồng ý. Ví dụ, Tây Ban Nha và Đức muốn thiết lập một kết nối khí đốt mới qua dãy núi Pyrenees, nhưng Pháp phản đối sáng kiến ​​này. Thay vào đó, Pháp ủng hộ các trạm LNG mới mà họ tin rằng sẽ xây dựng nhanh hơn và rẻ hơn so với xây một đường ống mới.

Dù cố gắng thế nào, châu Âu dường như không thể giảm phụ thuộc vào LNG Nga. Ngừng nhập dầu thô Nga có ý nghĩa rất nhỏ nếu châu Âu vẫn đang trả tiền để mua LNG của Nga.

Những nỗ lực từ Na Uy, Mỹ và các quốc gia khác trong cung cấp khí đốt cho châu Âu chỉ là một giải pháp ngắn hạn. Đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng khí đốt tự nhiên và lĩnh vực năng lượng tái tạo của châu Âu có thể hỗ trợ quá trình giảm phụ thuộc dài hạn vào năng lượng Nga, nhưng về ngắn hạn, có khả năng châu Âu vẫn phụ thuộc nhiều vào Nga về năng lượng.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Qatar - Trung Quốc ký hợp đồng LNG dài nhất lịch sử
Qatar - Trung Quốc ký hợp đồng LNG dài nhất lịch sử

Thỏa thuận cung cấp LNG mới nhất giữa Qatar và Trung Quốc kéo dài đến 27 năm, khiến nó trở thành bản hợp đồng LNG dài hạn nhất trong lịch sử của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN