Giáo hoàng Francis. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong bài phát biểu hàng tuần tại Quảng trường St. Peter, Giáo hoàng Francis nhấn mạnh: "Một lần nữa tôi kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo chính trị nỗ lực để công lý và hòa bình ngự trị". Giáo hoàng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình thế giới hiện nay, theo đó, bất chấp các công cụ sẵn có, cộng đồng quốc tế vẫn khó có thể nhất trí về một hành động chung có lợi cho hòa bình ở Syria và các khu vực khác trên thế giới.
Cùng ngày, Qatar kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động ngay lập tức để bảo vệ dân thường Syria sau khi Mỹ, Anh, Pháp tiến hành các cuộc không kích nhằm vào quốc gia Trung Đông này.
Hãng thông tấn nhà nước Qatar (QNA) dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này nhấn mạnh Doha ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm đạt được một giải pháp chính trị dựa trên Thông cáo Geneva năm 2012 về việc thiết lập một ủy ban giám sát quá trình chuyển tiếp tại Syria và các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc (LHQ).
Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cảnh báo một thảm họa nhân đạo mới có thể xảy ra ở Idlib - khu vực hiện đang bị phiến quân chiếm giữ ở Syria. Trả lời phỏng vấn tuần báo Le Journal du Dimanche một ngày sau khi Mỹ, Anh, Pháp tấn công Syria, Ngoại trưởng Le Drian hy vọng các cuộc không kích này có thể "thuyết phục Nga gây sức ép đối với Tổng thống Syria Bashar Al-Assad để tiến hành đối thoại nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Syria.
Theo ông, các nước hy vọng Nga tham gia các nỗ lực "thúc đẩy một tiến trình chính trị ở Syria" nhằm chấm dứt cuộc xung đột và Paris sẵn sàng thúc đẩy hướng tới mục tiêu này. Ngoại trưởng Pháp cho rằng bước đi đầu tiên sẽ là "bắt đầu lệnh ngừng bắn" kéo dài 30 ngày do LHQ kêu gọi hồi tháng 2 nhưng chưa được tiến hành thực sự nhằm tạo điều kiện cho việc hỗ trợ và sơ tán y tế.