Ông Timothy Springer, Giáo sư Y khoa thuộc Đại học Harvard (Mỹ), đã thu về một khoản lợi nhuận khổng lồ nhờ giá cổ phiếu công ty công nghệ sinh học ông đầu tư trước đó tăng vọt trong năm 2020.
Cụ thể, từ đầu năm 2020 đến ngày 22/4, cổ phiếu của công ty Moderna Inc có trụ sở tại thành phố Cambridge, bang Massachusetts đã tăng thêm 152%. Sáu tháng trước, giá trị một cổ phiếu của Moderna chỉ ở mức 17 USD, song hiện nay, do cuộc chạy đua tìm vắc-xin chống virus SARS-CoV-2 gây ra dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), giá trị mỗi cổ phiếu đã lên tới hơn 51 USD.
Theo bảng xếp hạng Bloomberg Billionaires Index, tổng giá trị tài sản của vị giáo sư đại học 72 tuổi này hiện đã vượt qua con số 1 tỷ USD.
Trước năm 2018, ông Springer đã đầu tư 5 triệu USD vào công ty công nghệ sinh học Moderna. Kể từ đó đến nay, giá trị cổ phiếu ông đầu tư vào đã tăng 17.000%, tương đương với hơn 800 triệu USD.
Moderna đang là một trong số ít công ty được phép thử nghiệm vắc-xin chống COVID-19 trên người. Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ gần đây đã nhất trí chi cho công ty công nghệ sinh học này hơn 400 triệu USD để phát triển vắc-xin mRNA-1273. Nếu như thử nghiệm thành công, dự kiến vắc-xin này có thể tiến đến giai đoạn thử nghiệm cuối chỉ trong năm nay.
Đây không phải là lần đầu tiên Giáo sư Springer thu về lợi nhuận lớn khi đầu tư vào lĩnh vực y khoa. Năm 1999, ông cũng đã đút túi gần 100 triệu USD khi công việc kinh doanh đầu tiên của ông được công ty dược phẩm Millennium Pharmaceuticals mua lại.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2018, vị giáo sư này bày tỏ mức độ hài lòng về khối tài sản của mình và không mong muốn có thể. “Tôi đã có quá đủ cho cuộc đời mình. Tôi không cảm thấy mình cần thêm nữa”.
Ông Springer đang là nhà sáng lập của công ty công nghệ sinh học Morphic Therrapaeutics. Bên cạnh đó, ông cũng điều hành một tổ chức phi lợi nhuận được biết đến với tên gọi Institute for Protein Innovation nhằm mục đích áp dụng khoa học protein như một phương tiện để hiện thực hóa tiềm năng của bộ gen trong việc cải tiến sinh học và sức khỏe con người.
Chỉ sau 4 tháng bùng phát từ Trung Quốc, đại dịch COVID-19 đã lây lan khó kiểm soát trên toàn cầu với hơn 2,7 triệu ca nhiễm và hơn 190.000 ca tử vong. Cộng đồng quốc tế đang nỗ lực hết sức để phát triển loại vắc-xin phòng COVID-19 vì đây là “công cụ duy nhất có thể đưa thế giới trở lại bình thường, cứu sống hàng triệu người và hàng nghìn tỷ USD” thiệt hại kinh tế.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có khoảng 70 loại vắc-xin đang trong các giai đoạn phát triển khác nhau. Ngày 23/4, WHO cho biết sẽ khởi xướng sáng kiến “hợp tác mang tính quyết định” nhằm thúc đẩy việc phát triển các loại thuốc cũng như các phương pháp xét nghiệm và vắc-xin an toàn và hiệu quả để phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị COVID-19.