Nhân dịp Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan được tổ chức theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Việt Nam - nước giữ cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, phóng viên TTXVN tại Washington đã có cuộc phỏng vấn với Giáo sư Surupa Gupta, Khoa Khoa học Chính trị và Vấn đề quốc tế thuộc Đại học Mary Washington về quan hệ ASEAN-Mỹ trong thời gian qua, cũng như vai trò của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch.
Đánh giá về những kết quả hợp tác giữa ASEAN và Mỹ trong những năm qua, Giáo sư Gupta cho biết hai bên đã nối lại quan hệ từ lâu. Mối quan hệ giữa hai bên bắt đầu từ năm 1977, và đã đặc biệt trở nên khăng khít hơn kể từ những năm 1990. Kể từ đó, mối quan hệ song phương đã không ngừng phát triển về khả năng hợp tác ở nhiều khía cạnh. Mỹ là nước đầu tiên ngoài ASEAN có đại sứ và phái bộ ngoại giao tại ASEAN. Mỹ coi ASEAN thực sự là một tổ chức và nhận thấy được giá trị của khối. Bà khẳng định tất cả những yếu tố đó đã thúc đẩy sự hợp tác. Ngoài ra, điều quan trọng cần ghi nhớ là hai bên đều có các giá trị chung. Đặc biệt là trong năm 2020 khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, hai bên đã nỗ lực hợp tác trong các lĩnh vực y tế và phát triển con người. Mỹ coi trọng vai trò quan trọng của ASEAN, cũng như mong muốn tăng cường hợp tác với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.
Cũng theo Giáo sư Gupta, quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Mỹ đã có những đóng góp quan trọng cho hòa bình và phát triển bền vững của khu vực. ASEAN và Mỹ đã chia sẻ mục tiêu trong việc giải quyết các tranh chấp trong việc ngăn chặn khủng bố và cướp biển. Hai bên có những mục tiêu chung khác trong việc thúc đẩy thương mại và phát triển bền vững, cũng như trong việc tăng cường đầu tư vào khu vực.
Các doanh nghiệp Mỹ đã tăng gấp đôi đầu tư trực tiếp, đồng thời thương mại giữa ASEAN và Mỹ đã tăng gấp khoảng 3 lần kể từ những năm 1990. Nhìn chung, các nước ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Mỹ, do đó đây là một khu vực quan trọng đối với Mỹ. Hai bên đều tin tưởng vào các giá trị chung như tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, pháp quyền. Mỹ cũng công nhận vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết bất kỳ vấn đề nào ở khu vực. Ngoài ra, hai bên cũng chia sẻ các giá trị khác như tính minh bạch, quản lý tốt, tính toàn diện và sự cởi mở, điều thực sự quan trọng để có thương mại và đầu tư tốt hơn trong khu vực.
Về triển vọng mối quan hệ ASEAN-Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh hậu bầu cử Mỹ 2020, Giáo sư Gupta đánh giá mối quan hệ hai bên đang phát triển theo hướng tích cực kể từ khi quan hệ chính thức được thiết lập, và sẽ tiếp tục phát triển theo xu hướng này. Theo chuyên gia này, khi xem xét các chính sách của các chính quyền khác nhau của Mỹ, có thể thấy rằng bất kể ai lên nắm quyền ở Mỹ, mối quan hệ với ASEAN và vấn đề này nói chung vẫn được coi trọng và là một ưu tiên. Vì vậy, bà bày tỏ hy vọng mối quan hệ giữa Mỹ và ASEAN sẽ phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Đánh giá về vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Giáo sư Gupta cho rằng Việt Nam có kinh nghiệm dẫn dắt ASEAN và đã vận dụng kinh nghiệm này để tập trung vào một số vấn đề. Một trong số đó là bản sắc chung và xây dựng một ASEAN gắn kết - một yếu tố quan trọng - nhằm đối phó với mọi thách thức trên cấp độ toàn cầu và khu vực, bao gồm cả đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Ngoài ra, một trọng tâm khác mà Việt Nam chú trọng là tạo ra một hình thức tích cực ủng hộ trong ASEAN để giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế, cũng như bảo vệ những lợi ích của ASEAN, khu vực và quốc tế. Do đó, ASEAN tiếp tục được xây dựng dựa trên cơ sở của sự đoàn kết nội khối và chú trọng hội nhập kinh tế trong khu vực. Cộng đồng Kinh tế ASEAN, vốn quan trọng đối với nhiều thành viên trong khu vực, đang thúc đẩy bản sắc ASEAN thông qua việc khuyến khích phát triển các giá trị chung bằng cách xây dựng các dự án giáo dục, và thúc đẩy quan hệ hữu hảo với Mỹ, các đối tác bên ngoài của ASEAN, cũng như củng cố khuôn khổ thể chế của ASEAN.
Về những đóng góp và dấu ấn nổi bật của Việt Nam trong nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN 2020, bà Gupta nhận định Việt Nam đã đóng một vai trò rõ ràng trong việc nhấn mạnh nhu cầu hợp tác và hòa bình trong khu vực. Việt Nam đã thể hiện rõ quan điểm cần phải hợp tác để mang lại một số biện pháp hòa bình nhằm giải quyết các vấn đề liên quan tới những tranh chấp trên Biển Đông.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã thực hiện rất tốt công tác ngăn chặn đại dịch COVID-19 trong nước, cũng như hỗ trợ tích cực các nước khác thông qua việc cung cấp các nguồn lực như cung cấp thiết bị y tế và các sản phẩm khác mà các nước khác yêu cầu.