Cảnh đổ nát sau các cuộc không kích tại Ghouta ngoại ô phía Đông thủ đô Damascus ngày 4/4. Ảnh: AFP/TTXVN |
Bốn khu vực trên gồm tỉnh Idlib, một số vùng liền kề tới phía Bắc tỉnh Homs, Đông Ghouta và một loạt các tỉnh ở miền Nam Syria (Daraa và Al-Quneitra). Theo thỏa thuận, các hoạt động quân sự không được phép triển khai tại đây, kể cả các chuyến bay của lực lượng không quân.
Theo các nguồn tin tại chỗ, sau khi thỏa thuận có hiệu lực từ 0 giờ ngày 6/5 giờ Syria (4 giờ sáng giờ Hà Nội), một số khu vực đã giảm hẳn tình trạng bạo lực. Mặc dù giao tranh giữa quân chính phủ và phiến quân vẫn diễn ra tại tỉnh Hama, miền Trung Syria, song mức độ căng thẳng đã giảm bớt. Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết tình hình tại nhiều khu vực của Syria đã ổn định vào cuối ngày đầu tiên của thỏa thuận.
Bản ghi nhớ về lập 4 khu vực giảm căng thẳng nói trên đã được ký theo đề xuất của Nga tại vòng hòa đàm mới về Syria, diễn ra ở thủ đô Astana của Kazakhstan ngày 4/5 vừa qua. Bản ghi nhớ có thời hạn nửa năm và có thể tự động gia hạn thêm nửa năm. Sau khi bản ghi nhớ này có hiệu lực, phía Nga và Mỹ đã nhất trí nối lại đầy đủ việc thực hiện bản ghi nhớ về ngăn ngừa các vụ đụng độ giữa không quân hai nước trên vùng trời Syria.
Cùng ngày, Đài truyền hình Mayadeen TV đưa tin quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị tiến vào tỉnh Idlib - một động thái trong thỏa thuận giảm căng thẳng. Theo nguồn tin, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi một bức điện cho các nhóm nổi dậy vũ trang tại tỉnh Idlib, thông báo về việc các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến vào khu vực biên giới tại tỉnh này. Ankara yêu cầu các nhóm nổi dậy không coi các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ là lực lượng chiếm đóng, cũng như tìm cách kháng cự. Bức điện nêu rõ các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạm thời triển khai bên trong các làng biên giới với các xe thiết giáp và các lực lượng bộ binh trong bối cảnh khu vực này sẽ không có sự hiện diện của máy bay chiến đấu Nga hay Syria. Trong khi đó, các công nhân bảo trì được phép vào đây để sửa lại mạng lưới điện nước, cũng như hỗ trợ tái thiết cơ sở hạ tầng của tỉnh Idlib.
Về sự hiện diện của Nhóm vũ trang Fateh al-Sham tại Syria (trước đây gọi là Mặt trận Al-Nusra có quan hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda) vốn không nằm trong phạm vi thỏa thuận, bức điện khẳng định các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tấn công nhóm này, mà sẽ giải quyết bằng con đường ngoại giao thông qua việc thúc đẩy nhóm này nhường lại các vị trí cho quân Thổ Nhĩ Kỳ và rút khỏi tỉnh Idlib.
Trong một diễn biến khác, Liên minh Dân tộc đối lập ở Syria đã bầu ban lãnh đạo mới. Cụ thể, ông Riad Seif được bầu làm Chủ tịch mới thay thế ông Anas al-Abdeh, người nắm quyền từ tháng 3/2016. Ngoài ra, các ông Abdulrahman Mustafa và Salwa Ktaw được bầu làm các Phó Chủ tịch của Liên minh Dân tộc.