Tuyên bố của AU nêu rõ: “Liên minh châu Phi kịch liệt lên án cuộc xung đột tàn bạo và phi lý đang diễn ra giữa Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và nhóm bán quân sự Các lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF), dẫn đến những hành vi sát hại dân thường vô tội và phá hủy cơ sở hạ tầng một cách bừa bãi”.
AU đánh giá cuộc xung đột ở Sudan đã dẫn đến tình huống nhân đạo nghiêm trọng chưa từng có, đồng thời vi phạm trắng trợn luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế. Bên cạnh việc nhấn mạnh rằng không thể có giải pháp quân sự dành cho cuộc xung đột, AU cũng yêu cầu nối lại quá trình chuyển tiếp chính trị, mà đỉnh điểm là tiến hành các hoạt động bầu cử hướng tới một chính phủ dân chủ, do lực lượng dân sự lãnh đạo. AU tiếp tục “kiên quyết bác bỏ mọi hình thức can thiệp từ bên ngoài vào Sudan”.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat chuẩn bị triệu tập cuộc họp cấp cao để thảo luận việc thực hiện Lộ trình AU nhằm giải quyết xung đột ở Sudan vào ngày 31/5.
Cuộc họp sẽ quy tụ các đại diện từ AU, Cơ quan liên chính phủ về phát triển (IGAD), Liên hợp quốc (LHQ), Liên đoàn các quốc gia Arab (AL), Liên minh châu Âu (EU), các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, các thành viên châu Phi của LHQ, các quốc gia láng giềng của Sudan, các quốc gia được IGAD chỉ định và Comoros - nước đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên của AU.
Trong một diễn biến liên quan, Thống đốc bang Red Sea ngày 30/5 đã ban bố lệnh giới nghiêm tại Port Sudan - thành phố lớn thứ hai của Sudan. Lệnh giới nghiêm này sẽ có hiệu lực từ 23h đêm hôm trước đến 5h sáng hôm sau (theo giờ địa phương).
Theo Hiệp hội Bác sĩ Sudan, những cuộc đụng độ đẫm máu giữa SAF và RSF từ giữa tháng trước đã khiến 863 dân thường thiệt mạng và 3.531 người khác bị thương. Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ gần đây ghi nhận hơn 1 triệu người đã phải di tản sau khi xung đột bùng phát ở Sudan.