Theo đài Sputnik, ngày 18/8, giới chức Gibraltal từ chối thực hiện yêu cầu của Mỹ về việc giữ lại tàu chở dầu Iran Grace 1.
Tuyên bố của chính quyền Gibraltar nói: "Chúng tôi không thể tuân theo yêu cầu là vì chúng tôi hoạt động theo luật Liên minh châu Âu và vì có sự khác biệt trong biện pháp trừng phạt Iran giữa Mỹ và Liên minh châu Âu. Lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với Iran - được áp dụng tại Gibraltar – có phạm vi hẹp hơn nhiều so với lệnh trừng phạt mà Mỹ áp dụng”.
Ngày 16/8, Bộ Tư pháp Mỹ công bố lệnh bắt giữ tàu chở dầu Grace 1. Bộ này cáo buộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) có âm mưu tiếp cận phi pháp hệ thống tài chính Mỹ để hỗ trợ các chuyến hàng trái phép từ Iran tới Syria.
Theo lệnh bắt giữ, con tàu này cùng với toàn bộ dầu trên tàu sẽ bị tịch thu do vi phạm Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) và dựa trên các quy chế tịch thu tài sản do gian lận ngân hàng, rửa tiền, khủng bố.
Trước đó một ngày, chính quyền và Tòa án Tối cao Gibraltar quyết định dỡ bỏ lệnh bắt giữ và thả tàu Grace 1. Chánh án Tòa án tối cao khu vực Anthony Dudley cho biết quyết định này được đưa ra sau khi chính quyền Gibraltar nhận được thư đảm bảo từ phía Iran rằng tàu Grace 1 "không bao giờ đi tới một thực thể bị Liên minh châu Âu trừng phạt" và do đó không có lý do hợp lý nào để bắt giữ con tàu này.
Tàu chở dầu Grace 1 đã được đổi tên thành Adrian Darya và chuẩn bị khởi hành. Đại sứ Iran tại Anh Hamid Baeidinejad bác bỏ các cáo buộc rằng Tehran đổi tên tàu nhằm tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ông khẳng định động thái này là để phù hợp với các quy định hàng hải quốc tế.