Hiện cảnh sát Gibraltar đang thẩm vấn cả hai người cùng mang quốc tịch Ấn Độ này. 28 thuyền viên trên tàu chủ yếu là người Ấn Độ và một số người Pakistan và Ukraine.
Tuần trước, lực lượng Lính thủy đánh bộ Hoàng gia Anh đã ập lên tàu Grace 1 ở ngoài khơi Gibraltar và bắt giữ con tàu này do nghi ngờ vi phạm các lệnh trừng phạt của EU về chuyển dầu tới Syria.
Tuyên bố của Cảnh sát Hoàng gia Gibraltar khẳng định: “Cuộc điều tra đang được tiến hành và tàu Grace 1 tiếp tục bị giam giữ”. Giới chức vùng lãnh thổ Gibraltar cho biết có thể bắt giữ tàu này trong 14 ngày.
Grace 1 treo cờ Panama, do công ty IShips Management, có trụ sở tại Singapore quản lý. Grace 1 dài 330 mét có khả năng chở 2 triệu thùng dầu thô.
Gibraltar là vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh, nằm ở cực Nam bán đảo Iberia, giáp với Tây Ban Nha ở phía Bắc.
Phản ứng trước động thái trên, ngày 10/7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo Anh sẽ đối mặt với “những hậu quả” do bắt giữ tàu chở dầu của Tehran, cho rằng việc bắt giữ này là "sai trái".
Theo ông Rouhani, London gây ra "bất ổn" và sẽ "nhận thấy những hậu quả sau đó”, song không cho biết thêm chi tiết. Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi khẳng định tàu Grace 1 không hướng đến Syria.
Kể từ cuối năm 2011, EU đã áp đặt các lệnh cấm nhằm vào Syria, trong đó có ngành sản xuất dầu mỏ và hoạt động đầu tư của nước này. Hơn 220 quan chức, bao gồm cả các bộ trưởng trong Chính phủ Syria cũng nằm trong danh sách trừng phạt của EU, trong khi đó tài sản của ít nhất 72 thực thể và tài sản của ngân hàng trung ương Syria tại EU cũng bị phong tỏa.