Hãng RT đưa tin Nam Phi đã kêu gọi Nga và Ukraine hợp tác để đàm phán về một thỏa thuận hòa bình. Lời kêu gọi trên được đưa ra sau khi Tổng thống Cyril Ramaphosa tuyên bố vào tuần trước rằng các nhà lãnh đạo của sáu quốc gia châu Phi có kế hoạch lên đường tới cả Moskva và Kiev vào tháng tới để thúc đẩy các cuộc đàm phán song phương.
"Đầu tiên là chấm dứt chiến sự. Thứ hai là khuôn khổ cho hòa bình lâu dài", người phát ngôn của Tổng thống Nam Phi, ông Vincent Magwenya nói về giải pháp cho xung đột Nga - Ukraine của châu Phi.
Tổng thống các nước Ai Cập, Zambia, Congo, Uganda, Nam Phi và Senegal cũng kêu gọi Ukraine chấp nhận mở các cuộc đàm phán hòa bình với Nga, đồng thời bỏ điều kiện tiên quyết là Moskva phải rút hoàn toàn lực lượng khỏi các vùng lãnh thổ mà Kiev tuyên bố chủ quyền.
Trong khi đó, Moskva đã yêu cầu Kiev công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea - bán đảo sáp nhập Liên bang Nga từ năm 2014, cũng như Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng cùng với các vùng Kherson và Zaporizhia gia nhập Nga năm 2022.
Trả lời Tổng thống Ramaphosa, Đại sứ Ukraine tại Nam Phi Lyubov Abravitova tuyên bố rằng: "Tổng thống Ukraine đã nói rất rõ ràng... không có cuộc đàm phán nào giữa Ukraine và Nga trừ khi người Nga rời khỏi lãnh thổ của chúng tôi trong biên giới được quốc tế công nhận”.
Tuy nhiên, bà Abravitova xác nhận Kiev vẫn sẽ chào đón và đối thoại với các nhà lãnh đạo châu Phi.
Phản ứng về kế hoạch trung gian hòa giải của châu Phi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết Washington sẽ hoan nghênh bất kỳ nỗ lực thành công nào nhằm thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Về phần mình, Điện Kremlin cho biết sẽ hoan nghênh sáu vị Tổng thống châu Phi và sẵn sàng lắng nghe bất kỳ đề xuất nào góp phần giải quyết tình hình ở Ukraine.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuần trước cho hay Moskva sẵn sàng xem xét các đề xuất của các quốc gia châu Phi và Mỹ Latinh. Tuy nhiên, ông cáo buộc các quốc gia phương Tây không cởi mở và chỉ chấp nhận kế hoạch hòa bình gồm 10 bước của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Ông Lavrov đồng thời lưu ý rằng ông Zelensky đã nhiều lần từ chối tổ chức đàm phán với Moskva.
Một số quốc gia khác như Trung Quốc, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đề nghị hỗ trợ làm trung gian hòa giải giữa Moskva và Kiev. Tuy nhiên, Ukraine và những người ủng hộ phương Tây luôn nhấn mạnh rằng kế hoạch hòa bình của Tổng thống Zelensky là con đường khả thi duy nhất để giải quyết xung đột.
Chính phủ Nga coi cuộc xung đột ở Ukraine là một phần của cuộc chiến ủy nhiệm rộng lớn hơn do Mỹ và các đồng minh tiến hành chống lại Moskva. Moskva đã cáo buộc Washington và London phá hỏng các cuộc đàm phán hòa bình do Ankara làm trung gian với Kiev, diễn ra trong những tháng đầu tiên của cuộc xung đột và dường như sắp đạt được thỏa thuận ngừng bắn.