Giới chức EU kêu gọi các nước thành viên thỏa hiệp về quyền đánh bắt cá

Ngày 8/10, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu (EU) Michel Barnier đã lên tiếng kêu gọi các nước thành viên đưa ra một thỏa hiệp về quyền đánh bắt cá để có thể nêu vấn đề này với phía Anh trong các cuộc đàm phán thương mại.

Chú thích ảnh
Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier (phải). Ảnh: AFP/TTXVN

Trao đổi với đại diện ngoại giao các nước EU, ông Barnier nêu rõ: "Nếu chúng ta muốn một thỏa thuận, chúng ta cũng sẽ cần phải tìm kiếm sự nhất trí về vấn đề đánh bắt cá. Chúng ta cần một sự thỏa hiệp để chuyển cho Anh như một phần của thỏa thuận tổng thể".

Tuy nhiên, ông cảnh báo không nên để quyền đánh bắt cá gây chia rẽ người người dân châu Âu hoặc khiến họ phải nhượng bộ trong các vấn đề then chốt khác. Ông đồng thời khẳng định Brussels vẫn kiên định với các ưu tiên đàm phán như hỗ trợ nhà nước và cơ chế quản lý trong thỏa thuận cuối cùng với Anh.

Quyền đánh bắt cá là mối quan tâm chính của các quốc gia có chung các vùng biển với Anh, gồm Hà Lan, Bỉ, Đan Mạch, Đức và đặc biệt là Pháp - nước luôn giữ lập trường cứng rắn nhất trong vấn đề này. Trong các cuộc đàm phán, phía châu Âu cho tới nay vẫn yêu cầu các tàu của họ sẽ tiếp tục được tự do tiếp cận các vùng biển của Vương quốc Anh, ngay cả sau khi giai đoạn chuyển tiếp sau khi Anh rời khỏi EU (Brexit) kết thúc vào ngày 31/12 tới. Tuy nhiên, phía Anh lại muốn hạn chế quyền tiếp cận này, đồng thời đề nghị quyền đánh bắt cá trên vùng biển nước này phải được đàm phán lại mỗi năm. 

Các nhà ngoại giao cho biết một sự thỏa hiệp giữa các nước châu Âu sẽ đòi hỏi một sự cân bằng khéo léo giữa các nước thành viên EU muốn duy trì quyền tiếp cận hoạt động đánh bắt cá ở vùng nước sâu và các quốc gia khác chú trọng đến việc tiếp cận các vùng nước ven biển.

Trước đó, EU và Anh đã nối lại các cuộc đàm phán về mối quan hệ hậu Brexit tại thủ đô London với hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận vào cuối tháng này. Các cuộc thảo luận dự kiến kéo dài đến ngày 9/10, thời điểm diễn ra cuộc thảo luận giữa Trưởng đoàn đàm phán EU Barnier và người đồng cấp Anh David Frost.

Cuối tuần qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhất trí sẽ đẩy nhanh các cuộc thảo luận nhằm đạt được thỏa thuận trong bối cảnh đàm phán bị đình trệ và thời gian không còn nhiều. EU mong muốn đạt được thỏa thuận vào cuối tháng 10. Tuy nhiên, có 3 vấn đề quan trọng mà hai bên chưa thể thu hẹp bất đồng kể từ khi đàm phán bắt đầu vào tháng 3 vừa qua, bao gồm các quy định hỗ trợ của nhà nước cho các công ty tư nhân, việc phân chia quyền đánh bắt cá và việc giảm sát thỏa thuận.

Cùng ngày, Anh đã công bố hướng dẫn cập nhật về hoạt động qua lại biên giới đối với các doanh nhân và hành khách sau khi giai đoạn chuyển tiếp sau khi nước này rời khỏi EU kết thúc trong năm nay.
Theo hướng dẫn mới, người dân sẽ cần giấy phép vào hạt Kent để đi qua biên giới. Ngoài ra, việc xác nhận thẻ định danh của EU, Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) và Thụy Sĩ sẽ không được chấp nhận để nhập cảnh vào Anh, bao gồm cả các tài xế, kể từ tháng 10/2021.

Phương Oanh (TTXVN)
Anh và EU nối lại đàm phán thương mại hậu Brexit
Anh và EU nối lại đàm phán thương mại hậu Brexit

Các nguồn tin châu Âu cho biết ngày 7/10, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã nối lại các cuộc đàm phán về mối quan hệ hậu Brexit tại thủ đô London, Anh với hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận vào cuối tháng này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN