Tuy nhiên, tại cuộc họp, các bộ trưởng tài chính đã nhất trí không vội đưa ra các biện pháp mạnh tay nhằm vào kế hoạch chi tiêu của chính phủ theo chủ nghĩa dân túy tại Italy.
Trước đó, trong trả lời báo chí trước cuộc họp Eurozone, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire (Bru-nô Lơ-me) nhấn mạnh tất cả quốc gia cần phải nỗ lực tuân thủ các cam kết tài chính. Ông cho biết thêm bất đồng về ngân sách của Italy cần phải giải quyết từng bước và việc vội vàng giải quyết vấn đề này không phải là "lời khuyên tốt nhất".
Quan chức Pháp trên cho hay sau khi Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra những đánh giá về ngân sách Italy, các nước Eurozone có thể gây áp lực trong "khuôn khổ chính trị" thông qua các cuộc họp thường kỳ của các bộ trưởng tài chính trong khối này.
Theo ông Le Maire, vào thời điểm hiện tại, việc các nước tôn trọng các quy tắc của EU thậm chí còn quan trọng hơn việc liên minh này đang phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ các phong trào chủ nghĩa dân túy và dân tộc vốn đang trỗi dậy. Ông đồng thời hối thúc các nước Eurozobe nhanh chóng nhất trí về cải cách khối, bởi hiện nay hoạt động của Eurozone không phù hợp để đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính lớn.
Trước đó, Chính phủ Italy ngày 27/9 đã nhất trí về kế hoạch ngân sách 2019 với mức chỉ tiêu thâm hụt ngân sách là 2,4% trong 3 năm tới, lớn gấp 3 lần so với chỉ tiêu của chính phủ tiền nhiệm trước đó. Điều này đang gây nên những phản ứng chỉ trích từ Ủy ban châu Âu và các hành động bán tháo trái phiếu nhà nước của các nhà đầu tư. Italy hiện là quốc gia có mức nợ công cao thứ 2 trong EU sau Hy Lạp. Italy sẽ đối mặt với các lệnh trừng phạt của các nước EU nếu quyết tâm phá vỡ quy tắc, thực thi kế hoạch ngân sách trên.