Theo Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, ông Dan Coats, các chủ thể tại Nga đang tiến hành một chiến dịch tuyên truyền rộng khắp nhằm làm suy yếu và gây chia rẽ nước Mỹ. Trong khi đó, Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray và Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen đều yêu cầu chính phủ tiến hành điều tra và xét xử những đối tượng cố tình tác động tới công luận hoặc tiến hành cái mà ông Wray mô tả là "cuộc chiến thông tin".
Những nhận định trên đã cho thấy quan điểm khác biệt giữa quan chức an ninh và Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2016, điều mà Moskva luôn bác bỏ. Tổng thống Trump đã mô tả ý kiến về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống là "một trò chơi khăm". Ông thậm chí yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions ngừng cuộc điều tra hình sự liên bang về cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, do Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đứng đầu và cho tới nay, khiến ít nhất 20 nhân vật Nga bị buộc tội.
Từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã có những động thái "mềm mỏng" hơn với Nga bất chấp sự chỉ trích và cảnh báo của các nhà lập pháp Mỹ. Gần đây nhất, ông chủ Nhà Trắng đã tiến hành cuộc hội nghị thượng đỉnh với người đồng cấp Vladimir Putin tại Helsinki, Phần Lan ngày 16/7 vừa qua, và từ chối chỉ trích Moskva liên quan đến nghi vấn can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016. Nghị sĩ hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã không hài lòng về kết quả cuộc gặp thượng đỉnh này, vì cho rằng đây là "cơ hội bị bỏ lỡ" để quy trách nhiệm cho Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.